Chủ định mới này được bộ ba công bố trong một tuyên cáo chung của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison.
Trên danh nghĩa chính thức, tên lửa siêu thanh không được coi là vũ khí chiến lược. Nhưng trong thực chất, nó có được ý nghĩa chiến lược không kém nhiều tầu ngầm hạt nhân. Nó bay với tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và chọc thủng dường như tất cả mọi hệ thống phòng thủ và đánh chặn mà các nước trên thế giới hiện có được. Sẽ không quá lời khi cho rằng loại vũ khí này có đủ khả năng "làm thay đổi cuộc chơi".
Mỹ, Nga, Trung Quốc và Triều Tiên đều thử nghiệm loại tên lửa này. Mới đây, Nga tuyên bố đã sử dụng nó trong chiến sự ở Ucraine. Các nước như Pháp, Đức, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ hiện đang trên con đường chế tạo. Trong khi Israel, Hàn Quốc và Iran thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu để chế tạo ra nó. Thỏa thuận mới nói trên trong khuôn khổ AUKUS là thỏa thuận nhiều bên đầu tiên trên thế giới về hợp tác chế tạo tên lửa siêu thanh và chắc chắn sẽ giúp cho Anh và Australia có được loại vũ khí này nhanh chóng hơn các nước khác.
Vì AUKUS liên quan trực tiếp đến triển vọng chính trị an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đến mưu tính chiến lược của bộ ba kia nhằm đối phó Trung Quốc nên việc hợp tác chế tạo tên lửa siêu thanh của AUKUS cũng sẽ tác động rất mạnh mẽ tới hai khía cạnh nói trên. Nó giúp cho AUKUS trở nên càng thêm nổi bật và đáng được chú ý đến ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.