Dự án với tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước tháng 9/2025, đang nhận được sự quan tâm lớn từ các chuyên gia và người dân Thủ đô.
“Liều thuốc cấp cứu” cần thiết
Trong nhiều thập kỷ qua, sông Tô Lịch đã phải chịu ô nhiễm nghiêm trọng từ nước thải chưa qua xử lý và lượng bùn tích tụ lâu năm. Để tạo bước ngoặt trong việc cải thiện môi trường, TP Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương đầu tư dự án bổ cập nước khẩn cấp từ sông Hồng. Đây là một nỗ lực kết hợp giữa đầu tư công nghệ và quyết tâm chính trị, nhằm mang lại diện mạo mới cho dòng sông. Theo đề xuất, TP sẽ xây dựng trạm bơm tại bãi sông Hồng, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, với công suất 3 - 5m³/s. Nước từ trạm bơm sẽ được dẫn qua tuyến ống dài hơn 5km, xuyên qua đê, chạy dọc đường Võ Chí Công và đổ vào đầu sông Tô Lịch tại nút giao Hoàng Quốc Việt.
Về tính khả thi, các chuyên gia và cơ quan quản lý đã có những đánh giá tích cực về phương án này. Việc bổ cập nước từ sông Hồng được kỳ vọng sẽ giúp duy trì mực nước ổn định, giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện cảnh quan đô thị dọc sông Tô Lịch. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả, cần lưu ý đến chất lượng nước từ sông Hồng, bảo đảm nước được xử lý phù hợp trước khi bổ cập vào sông Tô Lịch. Ngoài ra, việc xây dựng các đập dâng trên sông Tô Lịch cũng được đề xuất nhằm duy trì mực nước và tạo dòng chảy liên tục. Cụ thể, TP dự kiến đặt 3 đập dâng tại Cống Mọc, Cầu Dậu và trước ngã ba sông Tô Lịch - sông Kim Ngưu.
Các chuyên gia nhận định, để làm sạch được sông Tô Lịch, cần bổ sung một nguồn nước sạch đủ lớn và bổ cập nước từ sông Hồng vào là một giải pháp khả thi. PGS.TS Đặng Minh Hải – Phó Trưởng khoa Kỹ thuật tài nguyên nước, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, từ trước đến nay, nguyên nhân chính khiến sông Tô Lịch “chết dần, chết mòn” do không có dòng chảy, dòng sông bị biến thành nơi chứa nước thải chưa qua xử lý của TP… Do đó, việc Chính phủ đồng ý với đề xuất của Hà Nội về việc triển khai dự án lấy nước sông Hồng hồi sinh sông Tô Lịch là điều hết sức đáng mừng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm môi trường Thủ đô nói chung và cải tạo cảnh quan sông Tô Lịch nói riêng. “Khi được thực hiện, dự án sẽ bổ sung thêm nguồn nước, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch” - chuyên gia Đặng Minh Hải nói.
Đồng quan điểm trên, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đánh giá, đây là một phương án cần thiết nhằm cải thiện dòng chảy và giảm thiểu ô nhiễm. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng không quên lưu ý rằng, phải quản lý rất chặt chẽ vấn đề bảo vệ môi trường, ngăn ô nhiễm trên dòng sông Hồng mới có thể kỳ vọng bơm nước vào cứu sông Tô Lịch.
Tất cả cùng chung tay vào cuộc
Mặc dù rất kỳ vọng vào giải pháp trên nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận một sự thật rằng, việc “hồi sinh” sông Tô Lịch không chỉ trông chờ vào riêng dự án bổ cập nước từ sông Hồng. Để đạt được mục tiêu này, cần có một chiến lược tổng thể, đồng bộ, trong đó yếu tố con người đóng vai trò then chốt. PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, hiện nay, hai nhiệm vụ lớn nhằm cải tạo sông Tô Lịch đã được TP Hà Nội triển khai thực hiện là Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và Dự án dẫn nước sông Hồng bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Trong đó, nếu dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải chưa qua xử lý chảy trực tiếp xuống sông Tô Lịch thì Dự án dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc “hồi sinh” sông Tô. Bởi, đã là sông thì phải có dòng chảy, và việc dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch đã làm đươc điều này, đặc biệt là mùa khô.
“Trong thời gian các dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, UBND TP Hà Nội cần giao nhiệm vụ cho chính quyền các địa phương nơi sông Tô Lịch chạy qua thực hiện các biện pháp tạo cảnh quan, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch” – PGS.TS Bùi Thị An nói và lưu ý TP Hà Nội cần tập trung tạo ra những điểm nhấn đặc trương cho từng vùng, miền, đặc trưng của địa phương… để khi được hồi sinh, sông Tô Lịch sẽ trở thành một bức tranh nhiều màu sắc, nơi quảng bá những hình ảnh đặc trưng của địa phương… nhằm thu hút khách du lịch đến với Thủ đô.
Trong khi đó, GS Võ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có vai trò đặc biệt quan trọng trong kế hoạch làm sạch sông Tô Lịch. Vì vậy, cần bảo đảm Nhà máy Yên Xá hoạt động hết công suất, đồng thời xây dựng thêm các nhà máy xử lý nước thải khác để đáp ứng nhu cầu. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Việc xử lý nước thải đầu nguồn rất quan trọng. Nếu nước thải vẫn tiếp tục đổ vào sông Tô Lịch mà không được xử lý triệt để thì dù có bổ cập bao nhiêu nước từ sông Hồng cũng không thể làm sạch được dòng sông”.
PGS.TS Đặng Minh Hải đánh giá cao giải pháp bổ cấp nước sông Hồng vào làm sạch sông Tô Lịch nhưng cũng không quên lưu ý rằng, nhiệm vụ lớn nhất của Dự án lấy nước sông Hồng để hồi sinh sông Tô Lịch là bổ cập, tạo được dòng chảy cho sông Tô Lịch. Do đó, trong quá trình thực hiện, các đơn vị chức năng cần tính toán kỹ lưỡng khối lượng nước bổ cập sao cho phù hợp với mặt cắt của sông, bảo đảm tạo ra dòng chảy đủ mạnh cho sông Tô Lịch.
Các chuyên gia cho rằng, để hiện thực hóa quyết tâm làm sạch sông Tô Lịch, hai dự án lớn là xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và bổ cấp nước sông Hồng vào sông Tô Lịch có vai trò xương sống. Tuy nhiên, bên cạnh đó, TP cần triển khai nhiều gói giải pháp đồng bộ khác, trong đó một trong những yếu tố quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu vai trò quan trọng của mình trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và giữ gìn cảnh quan sông Tô Lịch nói riêng. Có như thế, khi dòng sông được làm sạch mới không đối mặt với nguy cơ bị ô nhiễm trở lại.
Một yếu tố đặc biệt quan trọng khác cần phải được nhắc tới đó là sự quyết tâm, khẩn trương, đồng lòng của lãnh đạo và Nhân dân Thủ đô. Đây có thể coi là yếu tố quyết định thành công của việc cải tạo sông Tô Lịch. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã yêu cầu các cấp, ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết xử lý tận gốc nguồn gây ô nhiễm, hồi sinh các dòng sông. Sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, cùng với sự chung tay góp sức của người dân, sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để “cải lão hoàn đồng” cho sông Tô Lịch, xây dựng một môi trường sống trong lành, xanh, sạch, đẹp cho người dân Thủ đô.
Dự án cấp nước bổ cập từ sông Hồng vào sông Tô Lịch dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 550 tỷ đồng, sử dụng ngân sách TP. UBND TP Hà Nội cam kết hoàn thành dự án trước tháng 9/2025. Đồng thời, TP đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp hỗ trợ để bảo đảm tiến độ và mục tiêu của dự án. Sông Tô Lịch từng là một chi lưu quan trọng của sông Hồng, gắn bó sâu sắc với lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và gián đoạn nguồn nước bổ cập đã khiến chất lượng nước sông suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay, sông chủ yếu tiếp nhận nước từ Hồ Tây, nước mưa và nước thải.