Theo thống kê của Bộ Công an, từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị này đã ghi nhận 540 vụ lừa đảo với thủ đoạn này tại 56 địa phương. Mặc dù đã có nhiều biện pháp tuyên truyền để người dân cảnh giác, tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Bộ Công an: 540 vụ giả mạo cơ quan pháp luật lừa đảo. Ảnh minh họa |
Các nhà mạng tại Việt Nam đã liên tục gửi tin nhắn cảnh báo về tình trạng lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh. VNPT nhận định cuối năm sẽ là thời điểm bùng phát của các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại và mạng xã hội.
Ngoài việc gọi điện mạo danh công an hoặc tòa án, một hành vi khác cũng thường xuyên được sử dụng là nháy máy từ đầu số nước ngoài, nhằm dụ người dùng gọi lại để phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn.
Trước đó, ngày 2/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán...; thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến định giá tài sản, giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, bảo đảm căn cứ để khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để triển khai thực hiện, mới đây Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký Quyết định số 1588/QĐ-BTC về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đó nhấn mạnh việc chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính; thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến định giá tài sản, giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, bảo đảm căn cứ để khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.