Kinhtedothi - Bộ Công Thương sẵn sàng chịu trách nhiệm trong vụ Công ty CP Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam (Liên kết Việt) bán hàng đa cấp - đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh với các cơ quan báo chí tại cuộc họp của Ban Tuyên giáo T.Ư, sáng 8/3.
Phát hiện nhiều sai phạm
Trên thế giới, bán hàng đa cấp (BHĐC) là phương thức bán lẻ hàng hóa trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều nhánh khác nhau. Khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cam kết cho phép hoạt động này tại Việt Nam. Chính vì vậy từ năm 2005, hoạt động BHĐC tại Việt Nam đã được chính thức thừa nhận và được điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh và Nghị định số 110/2005/NĐ-CP (sau đó được thay thế bằng Nghị định số 42/2014/NĐ-CP).
Trong quá trình cấp phép, giám sát hoạt động của các DN kinh doanh đa cấp, Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT - Bộ Công Thương) đã thực hiện giám sát theo Nghị định 42. Ngoài ra, những DN này còn chịu sự giám sát của sở công thương các tỉnh, TP, cũng như của các cơ quan, đơn vị khác có liên quan như cơ quan thuế, cơ quan quản lý hàng hóa chuyên ngành, lực lượng quản lý thị trường… như những loại hình DN khác.
Riêng với trường hợp Công ty Liên kết Việt, cơ quan quản lý đã phát hiện nhiều sai phạm và đã có những biện pháp xử lý. Cụ thể, ngày 15/7/2015, Cục QLCT phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra hoạt động BHĐC của công ty này. Ngày 6/8/2015, Cục QLCT đã ban hành quyết định điều tra sơ bộ theo thẩm quyền. Căn cứ kết quả điều tra, theo trình tự và thủ tục của Luật Cạnh tranh, ngày 20/11/2015, Cục QLCT ban hành Quyết định 265/QĐ-QLCT xử phạt Công ty Liên kết Việt 570 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh và Nghị định 42. Sau đó, hồ sơ thu thập và đơn thư khiếu nại tố cáo đã được chuyển tới C46 – Bộ Công an để xử lý theo thẩm quyền.
Vì sao không công khai kết quả kiểm tra?
Sau khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi lừa đảo của Công ty Liên kết Việt, dư luận và người dân đặt câu hỏi, vì sao Cục QLCT lại không công bố công khai thông tin, qua đó cảnh báo tới người dân? Về vấn đề này Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lý giải, theo quy định tại Điều 71 và Điều 72 Nghị định 116/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Cạnh tranh và Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc công khai thông tin trên chỉ được thực hiện trong một số trường hợp nhất định như không thừa nhận sai phạm hoặc không chấp hành quyết định... Đối chiếu với các quy định này thì quyết định xử phạt Công ty Liên kết Việt không thuộc trường hợp buộc phải công khai.
Về việc công bố Liên Kết Việt lừa đảo, cơ quan của Bộ Công Thương cho rằng, chỉ có cơ quan công an mới đủ năng lực, thẩm quyền để điều tra, xác minh hành vi lừa đảo. Do chưa có kết luận cuối cùng của phía cơ quan công an nên Cục QLCT chưa thể đưa ra các cảnh báo với người dân. Do Công ty Liên Kết Việt (sau đó chuyển thành Công ty CP Quốc tế Hưng Phú Group) không còn đáp ứng đủ điều kiện BHĐC theo quy định, nên ngày 3/3/2016, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động BHĐC của DN này. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, cho đến khi Cục QLCT ra quyết định điều tra vụ việc, Bộ Công Thương không nhận được bất cứ khiếu nại nào về Liên kết Việt, thậm chí người tham gia hệ thống còn không hợp tác điều tra. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thừa nhận trách nhiệm của Bộ Công Thương trong vụ việc này, bởi dưới góc độ của cơ quan quản lý, Bộ Công Thương là đơn vị tham vấn cho Chính phủ ban hành các văn bản, nghị định quản lý lĩnh vực BHĐC. "Trong trường hợp lãnh đạo Chính phủ yêu cầu kiểm điểm thì chúng tôi cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm" - ông Trần Quốc Khánh khẳng định. Ông cũng cho biết, trong quá trình xử lý vụ việc trước đây, các cơ quan cấp dưới đã không báo cáo cho lãnh đạo Bộ, dẫn đến việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều bất cập. "Chúng tôi rất đau xót khi những nạn nhân phải gánh chịu hậu quả của vụ việc này. Chúng tôi kêu gọi tất cả người dân, báo chí, khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào vi phạm Nghị định 42 thì gọi đến đường dây nóng của Cục QLCT” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói.
Tuy nhiên, có thể thấy việc Cục QLCT vin vào các quy định của Nghị định 116, không công bố công khai những sai phạm của Công ty Liên kết Việt, điều này đã tạo “cơ hội” cho DN này thu hút thêm người tham gia BHĐC. Điều đó cho thấy Bộ Công Thương không nên quá cứng nhắc trong quá trình quản lý mà nên vận dụng phù hợp với thực tế. Không để đến khi vụ việc vỡ lở mới lên tiếng về trách nhiệm.
Liên kết Việt liên tiếp giả mạo Bộ Quốc phòng để lôi kéo người dân mua hàng đa cấp.
|