Theo báo cáo gửi Quốc hội, từ đầu Quốc hội khoá XIV đến nay, Bộ Công Thương đã xử lý dứt điểm 13 nội dung về bỏ, cắt giảm một số điều kiện kinh doanh; rà soát chính sách liên quan tới quảng bá và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, hàng hóa; xử lý sự cố hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2... Bộ này đã bỏ 675 trong tổng số 1216 điều kiện thuộc các lĩnh vực, ngành nghề.
Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cho giai đoạn 2019-2020 sẽ được Bộ Công Thương tập trung vào 8 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, đề xuất cắt giảm 79 điều kiện; đơn giản hóa 34 điều kiện trên tổng số 132 điều kiện hiện hành trong lĩnh vực này.
Với lĩnh vực kinh doanh thuốc lá, chuyển hậu kiểm 8 điều kiện trên tổng số 65 điều kiện hiện hành. Với lĩnh vực kinh doanh rượu, đề xuất cắt giảm 6 điều kiện; chuyển hậu kiểm 7 điều kiện trên tổng số 30 điều kiện hiện hành.
Trong lĩnh vực điện lực, đề xuất cắt giảm 7 điều kiện; đơn giản hóa 02 điều kiện; chuyển hậu kiểm 3 điều kiện trên tổng số 49 điều kiện hiện hành. Trong lĩnh vực hóa chất, Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm 15 điều kiện; đơn giản hóa 24 điều kiện; chuyển hậu kiểm 12 điều kiện trên tổng số 77 điều kiện hiện hành.
Trong lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu, bảo hành bảo dưỡng ô tô, Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm 2 điều kiện; chuyển hậu kiểm 1 điều kiện trên tổng số 13 điều kiện hiện hành trong lĩnh vực này. Lĩnh vực khoáng sản và lĩnh vực than được đề xuất cắt giảm mỗi lĩnh vực 1 điều kiện.
Theo Bộ Công Thương, tính đến nay, Bộ đã cắt giảm, bãi bỏ tổng cộng 675 điều kiện trên tổng số 1216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 55,5%).