Bộ Công Thương vừa trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung dự án nhà máy điện mặt trời kết hợp đường dây truyền tải vào quy hoạch điện quốc gia.
Cụ thể, dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam kết hợp đầu tư trạm biến áp 500kV và đường dây đấu nối công suất 450 MW của Công ty Đầu tư xây dựng Trung Nam thực hiện. Đây là dự án đầu tư truyền tải điện đầu tiên của một doanh nghiệp tư nhân.
Theo tờ trình Bộ Công Thương gửi Thủ tướng, sau khi xây dựng xong, chủ đầu tư cam kết bàn giao lại miễn phí (0 đồng) cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vận hành vào năm 2020. Nếu EVN không tiếp nhận, bàn giao, chủ đầu tư sẽ tiếp tục quản lý, vận hành hệ thống theo cơ chế thống nhất giữa EVN và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT).
Theo đánh giá của Bộ Công thương, nếu nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ cam kết sẽ vừa tiết kiệm chi phí cho ngành điện vừa kịp thời giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực.
Bên cạnh việc bàn giao dự án theo đúng cam kết, nhà đầu tư còn phải đồng ý cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn huyện Thuận Nam đấu nối, giải tỏa công suất theo yêu cầu của UBND tỉnh Ninh Thuận (trong trường hợp chưa hoàn thành bàn giao cho EVNNPT).
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường chi phí cho EVN nếu không đảm bảo tiến độ hạ tầng truyền tải đúng cam kết. Chi phí phải trả căn cứ theo quy định mua bán điện với nhà đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1.
Trước đây, Tập đoàn Dầu khí quốc gia đã tham gia đầu tư ở một số công trình như sân phân phối, trạm biến áp 500kV. Sau đó, họ bàn giao lại cho EVN, EVNNPT quản lý và vận hành theo phương thức tăng hoặc giảm vốn nhà nước giữa các tập đoàn.
Để tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện được xem như một trong những giải pháp giảm tải lưới điện hiện nay. Hiện Ninh Thuận và Bình Thuận là 2 tỉnh có số lượng nhà máy điện mặt trời lớn nhất dẫn đến tình trạng quá tải lưới điện, các dự án phải giảm công suất, trong khi nguồn cung điện vẫn thiếu. Nhiều máy biến áp, trục đường dây ở mức quá tải tới hơn 200%.
Từng nêu quan điểm về việc này, PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần tạo cơ chế để mở cửa cho nhà đầu tư tham gia làm hạ tầng đấu nối, sau đó bàn giao lại cho EVN. Nhất là trong điều kiện ngân sách đang thiếu vốn đầu tư như hiện nay, phần nào tư nhân làm được thì cần mở cho tư nhân làm.