Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương sẽ tiến hành làm việc với 5 DN gạo gồm: Công ty CP Tập đoàn Tân Long; Công ty CP Xuất nhập khẩu Thuận Minh; Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời; Công ty CP Tân Đồng Tiến.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh được giao trách nhiệm là Trưởng Đoàn. Các thành viên còn lại trong Đoàn gồm đại diện Vụ Pháp chế; đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Phòng Xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản (Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương).
Quý I/2021, số lượng gạo nhập khẩu về Việt Nam đạt mức kỷ lục hơn 46.000 tấn. (Ảnh minh họa) |
Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ làm việc với các đơn vị có liên quan về tình hình xuất nhập khẩu gạo hàng hóa phục vụ công tác quản lý, điều hành xuất nhập khẩu gạo theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.
Các DN thuộc đối tượng kiểm tra phối hợp, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các giấy tờ, tài liệu, thông tin theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của những thông tin, tài liệu đã cung cấp cho Đoàn kiểm tra. Trong đó, bao gồm các thông tin về tình hình nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ, tồn kho gạo từ Ấn Độ của DN.
Trước đó, ngày 22/6, Cục Xuất nhập khẩu đã có Công văn gửi các Công ty nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Theo đó, để phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo chống gian lận xuất xứ, bảo vệ thương hiệu gạo Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu đã yêu cầu các Công ty nhập khẩu gạo từ Ấn Độ phối hợp cung cấp các thông tin về tình hình nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ, tồn kho gạo Ấn Độ của công ty và gửi Báo cáo về Bộ Công Thương (đầu mối là Cục Xuất nhập khẩu) trước ngày 29/6/2021.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, chỉ tính riêng trong quý I/2021, số lượng gạo từ Ấn Độ nhập khẩu về Việt Nam đạt mức kỷ lục 46.700 tấn, tăng 554 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, trong quý I/2021, lượng gạo mà các DN Việt Nam nhập về từ Ấn Độ chủ yếu là loại gạo non-basmati với giá trung bình khoảng 303 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo trong nước hiện nay xuất khẩu ra bên ngoài với giá khoảng 500 USD/tấn. Như vậy, với mức giá nhập vào - bán ra như vậy, gạo Ấn Độ sẽ rẻ hơn gạo Việt Nam gần 200 USD/tấn.
Các thương nhân xuất nhập gạo trong nước cũng cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải vào cuộc làm rõ vấn đề gạo nhập khẩu có xuất xứ tờ khai ghi Ấn Độ nhưng trên bao bì lại ghi Việt Nam nhằm tránh chuyện mập mờ trong kinh doanh, gây thiệt hại cho thương nhân và nông dân trong nước.