Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Công Thương tạo đột phá trong chính sách công nghiệp và thương mại

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành Công Thương phấn đấu đến năm 2030 có tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký Quyết định số 2795/QĐ-BCT ngày 30/10/2023 về việc Ban hành Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030.

Ngành Công Thương phấn đấu đến năm 2030 có tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm. Ảnh minh họa
Ngành Công Thương phấn đấu đến năm 2030 có tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm. Ảnh minh họa

Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng

Chiến lược vừa được ban hành dựa trên quan điểm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng và khâu đột phá trong chính sách công nghiệp và thương mại để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh ngành Công Thương; tự chủ về công nghệ công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết chặt chẽ với định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp và thương mại nhằm tạo ra những kết quả nghiên cứu thực chất, hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững ngành Công Thương.

Ưu tiên hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, số hóa nhằm tạo sự đột phá về trình độ, năng lực sản xuất trong các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, ưu tiên, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao. Chú trọng hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) của các viện nghiên cứu, trường đại học cùng với việc nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trong ngành. Thúc đẩy mối quan hệ gắn kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm; viện nghiên cứu và trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh; cơ quan quản lý nhà nước thực hiện vai trò định hướng, điều phối, kiến tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, hiệu quả cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương.

Phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao

Theo đó, mục tiêu cụ thể của chiến lược đến năm 2023 là nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng chung của ngành. Thông qua các hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, làm chủ và nội địa hóa công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại; nâng cao năng lực tổ chức, quản trị doanh nghiệp; góp phần xứng đáng vào việc thực hiện các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương đến năm 2030: tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm.

Bên cạnh đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng phục vụ phát triển công nghiệp, trọng tâm là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần dịch chuyển cơ cấu nội ngành lên các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản xuất; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao; đóng góp thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu đến năm 2030: tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP và tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đảm bảo cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách phù hợp phục vụ phát triển thương mại trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại, quản lý thị trường; phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới; góp phần tích cực thực hiện mục tiêu tăng trưởng doanh số thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (Business to Customer - B2C) bình quân từ 20 - 25%/năm.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu tỷ lệ nhiệm vụ khoa học và công nghệ xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn và có kết quả được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90%; tối thiểu 50% kết quả nghiên cứu có khả năng chuyển giao cho doanh nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh; ít nhất 30% kết quả nghiên cứu được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; 15% nhiệm vụ khoa học và công nghệ tham gia đào tạo sau đại học.

Các tổ chức khoa học và công nghệ ngành Công Thương được nâng cao về năng lực nghiên cứu, trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; phấn đấu có khoảng 10 phòng thí nghiệm, thử nghiệm chuyên ngành có cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu hiện đại, đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017; khoảng 10 đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ có cơ sở sản xuất thực nghiệm, trung tâm tư vấn, chuyển giao công nghệ hoặc hình thành công ty khởi nghiệp trực thuộc để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; tỷ lệ cán bộ nghiên cứu có trình độ sau đại học ở các tổ chức khoa học và công nghệ công lập trong ngành Công Thương đạt tối thiểu 50%, trong đó phấn đấu tiến sĩ chiếm trên 10%.

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong ngành Công Thương theo hướng đông bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp các cam kết quốc tế; góp phần khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam; tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong ngành Công Thương với tiêu chuẩn quốc tế đạt trên 70%.

Hỗ trợ được ít nhất 200 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến là kết quả của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào quản trị, sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả tích cực trong hoạt động (thể hiện bằng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, tạo việc làm và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động,...).