Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Công Thương thực hiện 8 giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết sẽ thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Thứ nhất, triển khai các nội dung về phát triển công nghiệp tại Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong đó, bao gồm hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng một đạo luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp nền tảng với các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai… đủ mạnh và triển khai các hoạt động hỗ trợ để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tiếp tục được triển khai hiệu quả trong thời gian tới. Ảnh minh họa
Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tiếp tục được triển khai hiệu quả trong thời gian tới. Ảnh minh họa

Xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045); chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030.

Thứ hai, do hệ thống pháp luật cần có thời gian để chỉnh lý, hoàn thiện, để thay thế cho qui hoạch ngành đã bị bãi bỏ theo Luật quy hoạch, cũng như đáp ứng công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ phát triển ngành, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững ngành dệt may – da giày giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiếp nối kết quả của năm 2022, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chiến lược phát triển ngành giấy giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chiến lược ngành ô tô giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài thuộc dự án: Thép Thái nguyên – Giai đoạn 2; Thép Việt Trung và Nhà máy giấy Phương Nam. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành, đặc biệt các là các dự án liên quan đến khai thác, chế biến khoáng sản quy mô lớn, các dự án thép tại Nam Định, Bình Định, Phú Yên.

Thứ tư, phối hợp với Văn phòng Chính phủ để triển khai có hiệu quả quy hoạch khoáng sản nhằm huy động nguồn lực mới cho tăng trưởng, gia tăng năng lực sản xuất, phát triển công nghiệp vật liệu, hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm thị trường nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phù hợp phục vụ cho sản xuất.

Thứ năm, tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ DN khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19.

Thứ sáu, xây dựng và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với các nhóm hàng hóa số 2.

Thứ bảy, triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó chú trọng các giải pháp về tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình nhà máy thông minh, chuyển đổi số, sản xuất xanh, sản xuất sạch, góp phần giúp các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng các trung tâm kỹ thuật dùng chung phục vụ nghiên cứu đổi mới, hấp thụ và phát triển công nghệ ngành công nghiệp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là các công nghệ lõi, công nghệ nguồn.

Ngoài ra, Cục cũng nỗ lực tập trung đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, liên kết với các DN FDI để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu.

Thứ tám, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cũng như phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành hàng, người tiêu dùng, chú trọng mở rộng và phát triển thị trường trong nước theo hướng phát triển nhanh, bền vững.