Tuy nhiên, thành tích này khó có thể duy trì trong năm 2019 trước loạt thách thức mới nổi từ phía thị trường, biến động thay đổi nhanh tình hình địa chính trị thế giới. Những tác động này dẫn tới cán cân thương mại có thể sẽ đảo chiều từ xuất siêu sang nhập siêu.
Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu 2019 dự kiến đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng 8 - 10% so với 2018. Trong khi đó, nhập khẩu khoảng 268 tỷ USD, tăng gần 12%. Nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD.
Theo dự đoán, xuất khẩu năm 2019 dự kiến tiếp tục có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, và đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới.
Đầu tư trong nước, được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, chính sách tiền tệ, tỉ giá, lãi suất ổn định, dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo không ở mức cao; chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU,... có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều.
Yếu tố căng thẳng về địa chính trị và chính sách tiền tệ thắt chặt diễn ra sớm hơn dự kiến ở nhiều nền kinh tế, phản ánh tính thận trọng của các nước trước dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Về nhập khẩu, Thứ trưởng cho hay dự báo năm 2019 và các năm tiếp theo, với việc thực thi các FTA như CPTPP hay Việt Nam - EU sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tận dụng cơ hội từ 2 thị trường lớn này.
Do vậy, việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng. Điều này dẫn tới cán cân thương mại có thể sẽ đảo chiều từ đang xuất siêu sang nhập siêu.