Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bồ Đào Nha phê chuẩn biện pháp “thắt lưng buộc bụng”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tòa án Hiến pháp Bồ Đào Nha ngày 14/8 đã phê chuẩn một phần các biện pháp “thắt...

Kinhtedothi - Tòa án Hiến pháp Bồ Đào Nha ngày 14/8 đã phê chuẩn một phần các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” do chính phủ nước này đề xuất, bao gồm cả các biện pháp nằm trong gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) mà Lisbon đã rút khỏi hồi tháng Năm vừa qua.

Theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp, biện pháp cắt giảm lương trong lĩnh vực công sẽ được thực hiện trong năm nay và năm tới, qua đó cho phép Chính phủ Bồ Đào Nha tiếp tục cắt giảm thâm hụt ngân sách trong hai năm này xuống lần lượt còn 4% và 2,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), từ mức 4,9% GDP năm ngoái.

 
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Dự kiến, biện pháp này sẽ giúp Bồ Đào Nha tiết kiệm gần 800 triệu euro/năm.

Tuy nhiên, biện pháp cắt giảm lương trên sẽ không được áp dụng trong giai đoạn 2016-2018, như đề xuất ban đầu của chính phủ, Thêm vào đó, Tòa án Hiến pháp nước này vẫn bác bỏ đề xuất đánh thuế đối với các khoản trợ cấp xã hội nhằm tăng thêm nguồn thu ngân sách, bởi cho rằng biện pháp này chỉ giúp tiết kiệm khoản kinh phí không đáng kể (270 triệu Euro/năm).

Quyết định trên của Tòa án Hiến pháp Bồ Đào Nha đánh dấu một thắng lợi nhỏ của chính phủ nước này trong nỗ lực đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách đã cam kết với EU.

Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, Tòa án Hiến pháp Bồ Đào Nha đã bác bỏ 3 trong số 4 biện pháp "thắt lưng buộc bụng," bao gồm cắt giảm lương trong lĩnh vực công, đánh thuế 5% đối với khoản tiền trợ cấp thất nghiệp và 6% đối với trợ cấp ốm đau, và cắt giảm lương hưu của những phụ nữ góa chồng.

Khi đó, tòa chỉ chấp thuận biện pháp cắt giảm lương hưu bổ sung cho những người làm việc trong lĩnh vực kinh doanh công cộng.

Hiện các thị trường tài chính đang dần giảm bớt quan ngại về Bồ Đào Nha, bởi giá trị trái phiếu chính phủ nước này trong giao dịch đã gần đạt mức như trước thời kỳ rơi vào khủng hoảng nợ năm 2011.