Bỏ đề xuất quy hoạch sân bay tại huyện Ứng Hòa

Hải Mạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cụ thể, tuyến metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc là đường sắt đô thị tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, gồm 6,5km đi ngầm, 2km đi trên cao và 29km đi trên mặt đất. Tuyến đi qua các quận: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và các huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Dự án đang được Hội đồng thẩm định nhà nước đánh giá, nếu được thông qua chủ trương đầu tư, sẽ khởi công vào năm 2022 và dự kiến vận hành 2026.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Hải Linh
Tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8,7km đi ngầm toàn bộ theo hành lang Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Tam Trinh. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2023 đến 2028.
Tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi đang lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật. Dự án được nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng vào cuối năm 2002 với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, phân kỳ thành 3 giai đoạn. Sau gần 20 năm, dự án đã nhiều lần điều chỉnh phân kỳ đầu tư và tổng mức đầu tư.

Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại để khởi công giai đoạn 2025 - 2030.

Hà Nội sẽ tập trung đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh là Sóc Sơn; Sơn Tây; Hòa Lạc; Xuân Mai; Phú Xuyên. Đồng thời kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành thuộc vùng Thủ đô, thông qua các tuyến đường hướng tâm như quốc lộ 1, 3, 6, 21; 21B.

Đầu tư các trục đường Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường trục phía Nam, các đường vành đai gồm Vành đai 3,5, Vành đai 4 và Vành đai 5, hệ thống cầu vượt sông gồm: Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4); cầu Đuống 2 (trên quốc lộ 1A cũ)... "Tuyến Vành đai 4 được hình thành sẽ có ý nghĩa rất quan trọng góp phần cải thiện giao thông quá cảnh qua TP để thay thế cho Vành đai 3 và cầu Thanh Trì đang quá tải" - ông Tuấn nói.

Hà Nội cũng sẽ đầu tư các nút giao thông trọng điểm giao cắt giữa đường hướng tâm và đường vành đai; các nút giao thông trọng yếu; các tuyến đường trục chính đô thị, liên khu vực, có tính kết nối.

Tại 5 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì chuẩn bị lên quận trong thời gian tới, TP sẽ từng bước đầu tư đồng bộ mạng lưới giao thông tại những khu vực còn yếu kém.

Ông Dương Đức Tuấn cho biết, năm 2021 Hà Nội đã phối hợp với Bộ GTVT hoàn thành nhiều công trình giao thông lớn như cầu cạn Mai Dịch - Thăng Long với 6 nhánh lên xuống, vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Hà Nội đã cùng 4 tỉnh vùng thủ đô trình Chính phủ phương án đầu tư tuyến Vành đai 4. Báo cáo tiền khả thi dự án đang được Hội đồng thẩm định cấp nhà nước xem xét.

Về đề xuất quy hoạch sân bay thứ hai trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch Hà Nội UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, với dân số hơn 10 triệu người, Hà Nội cần có thêm một sân bay hỗ trợ cho Nội Bài, và đang nghiên cứu quy hoạch xác định vị trí sân bay trước năm 2030; quỹ đất hơn 1.000ha để xây dựng trong giai đoạn 2030 - 2050. Trước đây TP đề xuất vị trí sân bay thứ hai tại huyện Ứng Hòa, do đây là một trong bốn địa điểm sân bay được xác định trong quy hoạch vùng Thủ đô. Song hiện nay, TP xác định sơ bộ khu vực Ứng Hòa là không phù hợp do điều kiện vùng trời không đảm bảo hoạt động bay.

Thay cho Ứng Hòa, TP đang nghiên cứu vị trí tại các huyện phía Đông và Đông Nam như Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai...

Ngoài ra, theo ông Tuấn, Hà Nội sẽ đồng thuận nếu quy hoạch ngành xác định vị trí sân bay thứ hai không nằm trên địa giới của Thủ đô. Bởi sân bay này có mục tiêu phục vụ nhu cầu người dân cả các tỉnh phía nam lân cận như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình...

Tại hội nghị tổng kết Bộ GTVT cuối tuần qua, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thời gian tới Hà Nội sẽ đầu tư 3 tuyến đường sắt đô thị gồm: Tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc, tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi. Ngoài ra, TP đang nghiên cứu vị trí quy hoạch sân bay thứ hai trước năm 2030 và bỏ đề xuất làm sân bay tại huyện Ứng Hòa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần