Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sửa Thông tư 30

Theo Vietnamnet.vn
Chia sẻ Zalo

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết trong năm học tới sẽ sửa đổi bổ sung một số điều thực hiện quy định đánh giá học sinh tiểu học (Thông tư 30).

Theo Bộ GD-ĐT, tổng hợp từ báo cáo của 63 Sở GD-ĐT cuối năm học 2015 - 2016 cho thấy hầu hết giáo viên đều nhận thức được tính nhân văn, những quan niệm mới của Thông tư 30.

khai giảng, thông tư 30, đổi mới giáo dục

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết giáo viên đã thay đổi, chuyển từ việc đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện học sinh về cả năng lực và phẩm chất, chuyển từ đánh giá kết quả, chú trọng về điểm số sang nhận xét đánh giá quá trình học tập của học sinh, nhằm giúp học sinh học ngày càng tiến bộ và học tốt hơn… Cách đánh giá mới đã góp phần điều chỉnh cách dạy và học trong trường tiểu học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sửa Thông tư 30 - Ảnh 1
Ưu điểm của Thông tư 30 còn ở chỗ học sinh đã bước đầu biết cách tự đánh giá bản thân mình và biết nhận xét góp ý cho bạn. Cán bộ quản lý, bước đầu đã quan tâm hơn đến việc tạo điều kiện cho giáo viên giúp đỡ, hỗ trợ học sinh phát huy tính tích cực trong học tập. Cách đánh giá theo Thông tư 30 góp phần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, việc thực hiện Thông tư 30 còn có một số hạn chế.

Cụ thể là việc đánh giá thường xuyên giáo viên còn có khó khăn: Về sĩ số lớp học vượt quá quy định.

Vẫn còn cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh chưa hiểu rõ bản chất, vai trò mục đích đánh giá thường xuyên và định kỳ.

Vẫn còn cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh định kiến: Việc đánh giá học sinh chỉ thông qua điểm số thì mới chính xác. Chưa thấy sự khác biệt giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.

Vẫn còn cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh vẫn còn định kiến: Việc đánh giá thường xuyên học sinh bằng nhận xét, không chấm điểm, học sinh sẽ lười học hơn.

Giáo viên còn khó khăn là mất nhiều thời gian để viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Khả năng viết nhận xét còn hạn chế. 

Công tác quản lí ở một số trường chưa thay đổi kịp thời đồng bộ với đổi mới cách dạy, cách học và còn nhiều hồ sơ, sổ sách, gây áp lực giáo viên trong việc đổi mới đánh giá học sinh.

Bộ GD-ĐT cho biết trong năm học tới sẽ sửa đổi bổ sung một số điều thực hiện Thông tư 30, tiếp tục triển khai đổi mới đánh giá học sinh tiểu học.

Bộ sẽ có chỉ đạo tránh thực hiện máy móc việc ghi chép nhận xét, giúp các cấp quản lý quy định hồ sơ hợp lý, khuyến khích sử dụng hồ sơ điện tử để giảm nhẹ sức lao động cho giáo viên tập trung vào hoạt động chuyên môn.

Trong quá trình thực hiện, Thông tư 30 sẽ được vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của giáo viên, sĩ số lớp học, vùng miền. Thực hiện Thông tư 30 sẽ theo khả năng  cho phép trong việc đánh giá thường xuyên để giúp đỡ học sinh nâng cao chất lượng giáo dục.