Đương nhiên, xung đột, mâu thuẫn nào đều có nguyên nhân căn cơ của nó. Và, đối với bản dự thảo Nghị định 86 sửa đổi lần này, không dễ để nhận ra yếu tố hạt nhân dẫn đến những cuộc tranh luận không dứt suốt gần 2 tuần qua. Đó chính là câu chuyện định danh và quy định nhận diện dành cho Grab và những loại hình xe tương tự mà lâu nay vẫn gọi nôm na là xe công nghệ.
Hơn 3 năm, không biết bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu hội nghị, hội thảo liên quan đến Grab, Uber, liên quan đến giải pháp quản lý xe công nghệ đã được diễn ra. Đã có rất nhiều những cuộc tranh luận nảy lửa giữa các luồng quan điểm trái chiều nhau; giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ và cơ quan quản lý Nhà nước. Thậm chí, đại diện taxi truyền thống và Grab đã phải lôi nhau ra tòa để giải quyết mối xung đột không thể nào hàn gắn được... Tất thảy, sau những xung đột nảy lửa đó, dư luận và giới chuyên gia đều chung một nhận định: Cần sớm định danh để đưa ra giải pháp quản lý phù hợp nhất đối với Grab nói riêng và xe công nghệ nói chung để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.
Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Bộ GTVT cũng đưa ra được một bản dự thảo Nghị định 86 sửa đổi mang lại sự hài lòng nhất của các bên. Đó là bản dự thảo lần thứ 9 được trình lên Thủ tướng ngày 17/7/2019. Bản dự thảo này nhận được sự đánh giá rất cao của giới chuyên gia và đặc biệt là của phần lớn các DN taxi truyền thống. Một trong những điểm mấu chốt giúp bản dự thảo này “ghi điểm” chính là xác định các hãng taxi công nghệ là DN hoạt động kinh doanh vận tải với hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Hình thức quản lý đối với loại hình kinh doanh vận tải này cũng quy định bằng hình thức hợp đồng điện tử và phải gắn hộp đèn trên nóc xe.
Tuy nhiên, ngày 14/8, trong bản dự thảo Nghị định 86 sửa đổi lần thứ 10 trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã khiến tất cả bất ngờ khi bỏ quy định xe công nghệ phải gắn mào. Gần như ngay lập tức, bản dự thảo lần thứ 10 này vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các DN taxi truyền thống. Họ liên tục gửi đơn kêu cứu, công văn kiến nghị đi nhiều nơi để bày tỏ quan điểm của mình. Thậm chí, Hiệp hội Taxi Hà Nội còn gửi công văn đề nghị được chuyển đổi hình thức kinh doanh từ kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi sang kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử bằng xe ô tô dưới 9 chỗ nhằm được hưởng những ưu đãi vượt trội mà taxi công nghệ đang được hưởng.
Có thể, trong bối cảnh hiện nay đề xuất của Hiệp hội Taxi Hà Nội khó có thể khả thi và chỉ mang tính thể hiện quan điểm không đồng thuận với bản dự thảo Nghị định 86 sửa đổi lần thứ 10 của Bộ GTVT. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu cho thấy chừng nào Bộ GTVT, với tư cách là đơn vị chủ trì biên soạn Nghị định 86 sửa đổi vẫn còn "lửng lơ", thiếu đồng nhất về mặt quan điểm, thái độ và sự cứng rắn cần thiết trong việc định danh và đưa ra quy định quản lý xe công nghệ thì chừng đó, dự thảo Nghị định 86 sửa đổi sẽ khó nhận được sự đồng thuận cao.