Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dự kiến thông xe vào ngày 1/9/2022. |
Tuy nhiên, việc tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái không có trạm dừng nghỉ, trạm xăng nào khiến các tài xế và người dân băn khoăn, lo lắng vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho lái xe.
Không riêng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, trên thực tế có nhiều cao tốc đã đi vào sử dụng nhưng vẫn chưa có trạm dừng nghỉ như: Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Đà Nẵng - Quảng Ngãi…
Cụ thể, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64km đã hoạt động được 3 năm, nhưng chưa có trạm dừng nghỉ. Tương tự, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) dài 51 km đã khai thác gần một năm, hiện cũng chưa có trạm dừng nghỉ. Tuyến này còn nối thông với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương dài hơn 49km, mới có một trạm dừng tại Km28+200. Đoạn từ Km28+500 đến cuối tuyến dài 73km chưa có trạm dừng nghỉ, gây khó khăn cho người tham gia giao thông trên cả chặng đường dài.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 139km đã khai thác được 4 năm, song đến nay chưa có trạm dừng nghỉ cho lái xe, trạm xăng. Theo đại diện chủ đầu tư, dự án còn một số hạng mục dang dở do khó khăn về vốn, như chưa hoàn trả lại đường cho địa phương, chưa hoàn thiện nút giao kết nối với cao tốc đoạn Dung Quất. Chủ đầu tư đã xác định vị trí trạm nghỉ, song đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cho biết hiện chỉ có Quy hoạch 2753/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT về trạm dừng nghỉ trên quốc lộ, không có quy hoạch trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc.
Theo ông Tuấn Anh, các tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ có thể vì lý do khách quan nào đó chủ đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ có độ trễ so với thời điểm đưa tuyến đường vào khai thác.
Theo Nghị định số 32/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, khai thác đường cao tốc, thì trạm dừng nghỉ trên đường là bộ phận công trình của đường cao tốc. Vì vậy cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng đường cao tốc phải có trách nhiệm quyết định đầu tư trạm dừng nghỉ.
Theo Tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc quy định, khoảng cách từ 50 - 60 km phải bố trí 1 trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (trạm dừng nghỉ, trạm xăng...) phục vụ người dân nghỉ ngơi, đổ xăng và giải quyết các nhu cầu cá nhân. Chủ đầu tư khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường cao tốc sẽ xem xét trạm dừng nghỉ như thế nào, vị trí đặt ở đâu, đảm bảo cự ly, khoảng cách như thế nào.
"Tiếp theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ có quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện Bộ GTVT đang xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông sẽ có nội dung quy định về trạm dừng nghỉ"- ông Tuấn Anh cho hay.