Bộ GTVT phấn đấu cơ bản hoàn thành CPH doanh nghiệp năm 2015

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai năm 2014 – 2015, chứng kiến sự đổi thay khá mạnh của ngành Giao thông Vận tải (GTVT), không chỉ thu hút một lượng vốn lớn cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành bằng việc cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa (CPH).

Chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, hàng loạt DN của ngành giao thông rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, hoạt động kém hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực vận tải biển, đơn vị, nhà thầu thi công công trình hạ tầng giao thông. Nợ nần chính là nguyên nhân dẫn đến việc khó thực hiện CPH doanh nghiệp.

Trước những khó khăn của DN, hai năm qua Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt việc tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và thực hiện CPH DN trên tất cả các lĩnh vực, từ vận tải đường bộ, vận tải đường thủy, vận tải đường sắt, cảnh biển, cảng hàng không. Bộ xác định chỉ có thực hiện CPH mới đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

 
Bộ GTVT phấn đấu cơ bản hoàn thành CPH doanh nghiệp năm 2015 - Ảnh 1
Ảnh minh họa.
Đến thời điểm này, ngành GTVT đã thực hiện sắp xếp, đổi mới và thực hiện CPH tại 81 doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong đó có 16 công ty mẹ và tổng công ty đã và đang trinh tiến trình CPH. 

Hàng loạt DN thực hiện thoái vốn ngoài ngành, với hàng nghìn tỷ đồng được thoái đã giảm bớt gánh nặng cho DN. Chỉ tính riêng đối với 10 công ty mẹ và tổng công ty đã hoàn thành CPH, vốn chủ sở hữu sau cổ phần hóa đã tăng hơn 17%, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giảm xuống hơn 18% so với trước khi CPH. Hiệu quả của CPH đó là, các đơn vị, DN sau CPH đã thu hút được các nhà đầu tư vào nâng cao năng lực quản trị DN, nâng cao năng suất lao động, nhờ đó doanh thu tăng hơn 10%, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 43%, và thu nhập bình quân của lao động tăng hơn 13%.

Bộ GTVT đang được đánh giá là Bộ đi đầu trong việc sắp xếp, đổi mới DNNN. Một trong những lĩnh vực được gọi là “điểm đen” nhất của ngành GTVT là vận tải biển. Nhiều năm nay lình sình trong đống nợ khổng lồ, với hàng loạt con tàu nằm đắp chiếu không khai thác được, hoặc càng khai thác, càng lỗ, thì đến nay Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã cơ bản hoàn thành tái cơ cấu nợ. 

Kết quả này của Vinalines chính là đơn vị này đã thoái toàn bộ vốn tại Maritime Bank và thu về hơn 315 tỉ đồng. Số tiền thu được từ thoái vốn tại Maritime Bank đã được Vinalines dùng để tái cơ cấu các khoản nợ, có tổng trị giá hơn 16.000 tỉ đồng tại công ty mẹ. Nhiều đối tác, nhà đầu tư đã tiếp tục đầu tư vào ngành này,  nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ của đơn vị, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm lỗ.

Điều này càng khẳng định ngành GTVT đang đi đúng hướng trong việc đổi mới DNNN thông qua CPH. Nếu cứ đà này, đến cuối năm 2015, Bộ GTVT sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu: Cổ phần hóa, thoái vốn toàn bộ các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước không cần giữ 100% vốn; tái cơ cấu doanh nghiệp có trọng điểm đồng thời tăng cường giám sát và đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần