Bộ GTVT: Ưu tiên số một là chất lượng công trình

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Liên tiếp trong thời gian trở lại đây, các dự án giao thông trọng điểm như dự án đường cao tốc Trung Lương, dự án sữa chữa mặt cầu Thăng Long, dự án Cầu Thanh Trì ... khi được đưa vào khai thác đều có dấu hiệu xuống cấp; thậm chí, sửa chữa nhiều lần vẫn luôn ở trạng thái…hỏng!

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 2/12 về kết quả hoạt động 11 tháng của Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, về tổng thể, những công trình này có  ảnh hưởng chất lượng nhưng cụ thể thì không lớn lắm. Quan điểm của Bộ là nếu công trình chưa đạt chất lượng thì sẽ ngừng nghiệm thu và đợi khắc phục, sửa chữa, xử lý dứt điểm.

Theo ông Trường, Bộ Giao thông Vận tải coi chất lượng công trình là  ưu tiên số một. Năm 2011 được coi là năm chất lượng công trình. Vừa qua, một số công trình sau khi đầu tư đưa vào khai thác đã xuất hiện nhiều vấn đề về chất lượng. Ngay lập tức Bộ đã tiến hành giao Cục quản l‎ý chất lượng công trình để giám sát, kiểm tra tìm ra nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Lý giải về việc dự án mặt cầu Thăng Long, dù đã đầu tư 97 tỷ đồng để sửa chữa nhiều lần, nhưng vừa thi công xong đã xuống cấp, Thứ trưởng cho biết: “Mặt cầu Thăng Long là mặt cầu dùng công nghệ mới, rải lớp bê tông nhựa trên mặt thép, khác với trên đất. Mặt cầu sử dụng 30 năm  nên bản thép đã biến dạng. Khi có gia tải, khả năng dính bám lớp bê tông nhựa và thép rất kém. Bản thép của cầu được làm từ thời công nghệ Liên Xô.”

“Bộ đã giao đoàn công tác để xác định nguyên nhân và đưa ra phương án sửa chữa triệt để. Tuy nhiên, trong quá trình vừa sửa chữa và vừa vận hành nên rất khó sửa chữa. Công nghệ mới đưa vào dùng thì hỏng hóc phải chấp nhận,” Thứ trưởng Trường giải thích thêm.

Thứ trưởng cũng khẳng định: “Trong quá trình kiểm tra chưa phát hiện tiêu cực và làm sai nên chưa kiểm điểm, kỷ luật trách nhiệm cá nhân, đơn vị.”

Để khắc phục và sửa chữa, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các cơ quan chức năng khảo sát tổng thể tình trạng lớp phủ mặt cầu, phân định vùng diện tích lớp phủ mặt cầu có dính bám giữa các lớp bảo đảm yêu cầu và vùng diện tích có dính bám không bảo đảm yêu cầu. Các vị trí hư hỏng phát sinh đã và đang được sửa chữa.

Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo tiếp tục theo dõi diễn biến ở phần diện tích của mặt cầu có tiềm ẩn nguy cơ hư hỏng (vùng có tính dính bám không bảo đảm yêu cầu) để đánh giá đầy đủ, chính xác và tìm ra giải pháp xử lý phù hợp và rút ra bài học kinh nghiệm.

Cũng nằm trong nhóm công trình có dấu hiệu xuống cấp còn có cầu Thanh Trì. Dù cầu này mới được đưa vào sử dụng năm 2006 nhưng đã có hiện tượng sụt lún và biến dạng bề mặt bêtông nhựa xuất hiện hỏng hóc.

Trả lời vấn đề này, ông Trường khẳng định: “Cầu sụt lún chủ yếu ở phần bề mặt nhựa có thể do một số mẻ bêtông nhựa không đảm bảo chất lượng. Còn bề mặt móng và thi công dưới chân cầu không bị ảnh hưởng. Bộ đã giao Ban quản lý dự án Thăng Long kiểm tra nguyên nhân và mời Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước kiểm tra lại.”

Tất cả xe quá tải đều qua cầu nên mặt cầu chịu quá tải lớn, mặc dù cầu Vĩnh Tuy đã xây xong nhưng xe tải lớn vẫn phải đi qua Thanh Trì do nằm ở vị trí nối giữa các tuyến đường trọng yếu. Việc sụt lún bề mặt bêtông nhựa là do trong quá trình khai thác sử dụng thì một số chỗ phát sinh, hỏng hóc nên không thể khẳng định là kém chất lượng công trình.

Cũng trong buổi họp báo, trước thắc mắc của phóng viên là sắp tới Bộ sẽ thu phí hay không thu phí trên đường cao tốc Láng Hòa Lạc, Thứ trưởng cho biết:  “Do ngân sách nhà nước đầu tư hạn hẹp, mà Bộ Giao thông Vận tải cần huy động vốn để đầu tư nên đã tính đến phương án thu phí người sử dụng tuyến đường, để lấy tiền đó đầu tư tuyến khác. Bộ cũng đã trình và đang chờ ‎ý kiến của Chỉnh phủ về việc này."/.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần