Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bỏ hay giữ HĐND cấp phường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình tổ chức chính quyền địa phương là đề tài nóng trong diễn đàn pháp luật “Hoàn thiện quy định về tổ chức chính quyền địa phương theo Hiến pháp mới” được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức mới đây.

Diễn đàn đã đưa ra 2 phương án để bàn thảo, phương án một, đó là bỏ HĐND cấp phường, còn ở các phường trực thuộc UBND quận, thị xã, TP thuộc tỉnh thì thành lập Phòng quản lý hành chính. Phương án thứ hai là vẫn giữ HĐND cấp phường. Báo Kinh tế & Đô thị xin trích đăng ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.

GS.TS Trần Ngọc Đường – Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội:

Mô hình chính quyền địa phương hiện còn nhiều nhược điểm

Bỏ hay giữ HĐND cấp phường - Ảnh 1Mô hình chính quyền địa phương tồn tại gần 70 năm hiện có nhiều nhược điểm. Đó là sự bất hợp lý về một mô hình tổ chức chính quyền giống nhau cho nông thôn và đô thị, mặc dù ở đó có sự khác nhau về đặc điểm dân cư, phân định địa giới hành chính và chức năng quản lý Nhà nước. Vì vậy, đối với phương án thứ nhất, dự kiến thiết kế theo mô hình ở địa bàn nông thôn tổ chức 3 cấp chính quyền (có HĐND và UBND) tại tỉnh, huyện, xã. Ở đô thị chỉ tổ chức 2 cấp chính quyền (có HĐND và UBND) tại TP trực thuộc T.Ư, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh, còn tại các phường tổ chức Phòng quản lý hành chính tại UBND quận, thị xã để thực hiện nhiệm vụ quản lý tại phường sẽ phù hợp với chủ trương đổi mới chính quyền địa phương của Đảng, đúng với quy định của Hiến pháp 2013 về mô hình chính quyền địa phương ở Điều 110.

Do vậy, tôi đồng ý với phương án thứ nhất. Theo tôi, việc không tổ chức HĐND ở những đơn vị hành chính trung gian không làm mất đi tính đại diện của cử tri, bởi ở địa phương thì đại diện ở 2 đầu chính quyền mới là đại diện thực chất nhất. Giám sát của HĐND đối với UBND cùng cấp cũng chủ yếu giám sát ở cấp tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và cấp tổ chức thực hiện là phường, xã. Thực hiện quyền lực Nhà nước ở các chính quyền trung gian cũng chính là thực hiện quyền lực Nhà nước của cấp tỉnh, thành. Cánh tay nối dài của chính quyền cấp tỉnh, thành đặt ở các đơn vị hành chính trung gian quận, thị xã, TP thuộc tỉnh tất yếu do HĐND cấp tỉnh, thành trực thuộc T.Ư giám sát.

Ông Chu Sơn Hà - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội:

Luật cần xác định rõ các tiêu chí

Bỏ hay giữ HĐND cấp phường - Ảnh 2Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần xác định rõ các tiêu chí để phân biệt chính quyền ở vùng nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nào cần phải có cấp chính quyền, hay nói cách khác là phải có HĐND và UBND; đơn vị hành chính nào chỉ cần cơ quan hành chính là UBND. Theo tôi, bộ máy chính quyền ở địa bàn nông thôn tổ chức 3 cấp đơn vị hành chính là tỉnh, huyện, xã (đều có HĐND và UBND); ở địa bàn đô thị chỉ tổ chức 2 cấp chính quyền (đều có HĐND và UBND) gồm cấp TP (tỉnh) và cấp quận.

Nếu thực hiện theo phương án trên thì cần quan tâm giải quyết 3 vấn đề. Thứ nhất: Bỏ cấp chính quyền phường thì cần sắp xếp lại quy mô quận, không thể để quy mô quá lớn như hiện nay để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý địa bàn. Căn cứ vào thực tế để xác định số lượng quận là bao nhiêu cho phù hợp. Thứ hai: Nếu tổ chức mô hình 2 cấp chính quyền ở đô thị (bỏ cấp phường) thì sẽ tinh giản được toàn bộ số lượng biên chế cán bộ, công chức cấp phường. Thứ ba: Cần đặt ra vấn đề về phân cấp quản lý đối với cấp quận. Quận sẽ không quản lý toàn diện mà chỉ thực hiện tổ chức quản lý về giáo dục, hạ tầng đô thị và y tế trên cơ sở chính quyền TP giao việc và khoán kinh phí hàng năm.

Tóm lại, tuy trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh thì ở các vùng khác nhau sẽ tổ chức số lượng cấp chính quyền khác nhau nhưng vẫn phải bảo đảm nguyên tắc quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua các cơ quan dân cử...

Bà Đỗ Thị Hoàng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh:

Cần chính sách riêng cho mô hình tổ chức chính quyền nông thôn và đô thị

Bỏ hay giữ HĐND cấp phường - Ảnh 3Quá trình tổng kết và góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cho thấy, cùng với việc chưa làm rõ khái niệm và mô hình tổ chức chính quyền địa phương, thì một trong những bất cập lớn nhất hiện nay là chưa có sự phân biệt một cách cơ bản sự khác nhau giữa chính quyền đô thị và nông thôn. Các quy định pháp lý hiện hành còn quy định mô hình tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của HĐND, UBND áp dụng chung cho tất cả các chính quyền địa phương trong cả nước. Hệ quả là có địa phương không phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình; có địa phương thì lại không đủ điều kiện để thực hiện chuẩn chung.

Đô thị và nông thôn là 2 loại hình kinh tế - xã hội với những đặc trưng khác nhau về vị trí vai trò, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa giới hành chính, dân cư, cơ cấu kinh tế, trình độ phát triển, lối sống..., vì vậy, nội dung và hình thức tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước ở đô thị cũng cần phải có những đặc trưng khác rất nhiều với nông thôn: Đô thị đòi hỏi quản lý theo ngành là chủ yếu, còn nông thôn quản lý theo lãnh thổ là chủ yếu. Từ thực tiễn trên cho thấy, việc đề ra chính sách riêng, hợp lý cho mô hình tổ chức chính quyền nông thôn và đô thị là một yêu cầu cấp bách.

Tóm lại, trong tổ chức chính quyền địa phương thời gian qua đáng lưu ý ở 2 vấn đề: Một là sự không phân định rạch ròi giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn; Hai là sự bất cập trong phân cấp, phân quyền giữa T.Ư và địa phương. Hai hạn chế này đã và đang làm giảm hiệu quả quản lý Nhà nước, kìm hãm sự phát triển không chỉ ở địa phương mà còn cả ở tầm vĩ mô của T.Ư và của cả quốc gia. Tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang được xây dựng, cần phải phân biệt rõ về mô hình tổ chức chính quyền đô thị và nông thôn; quy định rõ những vấn đề gì chỉ T.Ư mới có quyền quyết định, những vấn đề gì địa phương có quyền quyết định và trách nhiệm tương ứng với thẩm quyền của mỗi chủ thể. Nếu làm được như vậy sẽ khắc phục được tình trạng tập trung hóa, phải giải quyết nhiều sự vụ của các cơ quan T.Ư, các bộ, ngành, góp phần chấm dứt cơ chế xin - cho và tình trạng ỷ lại, thụ động hoặc thiếu linh hoạt như hiện nay.

TS Vũ Đức Khiển – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban lập pháp của Quốc hội:

Phải đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức chính quyền

Bỏ hay giữ HĐND cấp phường - Ảnh 4Theo suy nghĩ của tôi thì tổ chức bộ máy Nhà nước nói chung và tổ chức chính quyền địa phương nói riêng phải bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, không vênh để tránh sự đùn đẩy trách nhiệm, tránh né và phải bảo đảm đúng nguyên tắc có tính bản chất là ở nước ta, quyền lực Nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân. Vì vậy, chúng tôi đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như đã quy định trong Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, nghĩa là tổ chức HĐND và UBND ở tất cả các đơn vị hành chính trong cả nước, cụ thể là tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; xã, phường, thị trấn.

Nếu theo như phương án 1, thành lập Phòng quản lý hành chính ở các phường trực thuộc UBND quận, thị xã, TP thuộc tỉnh thì liệu chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng này có chồng chéo, trùng lặp với các phòng chuyên môn, nghiệp vụ khác của UBND quận, thị xã, TP thuộc tỉnh hay không? Nếu Phòng quản lý hành chính này là siêu phòng, đa chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn thì các phòng chuyên môn, nghiệp vụ khác làm gì trên địa bàn các phường thuộc quận, thị xã, TP thuộc tỉnh? Nếu không làm rõ những vấn đề này mà đã tổ chức chính quyền địa phương theo phương án 1 ghi trong dự thảo Luật thì càng rối thêm và thiếu tính thuyết phục.

Đồng thời, tổ chức tổng kết chính thức bằng cách thảo luận rộng rãi, thật sự dân chủ việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường, đặc biệt là ở 99 quận, huyện và 483 phường đã không có HĐND 4 năm nay. Trên cơ sở đó đưa ra một phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương để lấy ý kiến Nhân dân và sau đó sửa đổi Chương IX của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương.