Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo GDP năm 2021 tăng 3,5 - 4%

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong tháng 9, từ quý IV chuyển sang trạng thái bình thường mới, dự báo tăng trưởng GDP cả năm có khả năng đạt 3,5 - 4%. Nếu GDP đạt mức này, đây sẽ là năm thứ hai GDP của Việt Nam không hoàn thành kế hoạch tăng trưởng.

Sáng 15/9, Bộ KH&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 Vùng miền Trung và Tây Nguyên. Đây là hội nghị thứ 2 trong chuỗi 3 hội nghị trực tuyến với 3 miền Bắc, Trung, Nam với mục tiêu hướng dẫn, trao đổi với các địa phương để đánh giá những kết quả dự kiến đạt được trong năm 2021, những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện kế hoạch.

 Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 Vùng miền Trung và Tây Nguyên diễn ra sáng nay 15/9

Đánh giá về Vùng miền Trung và Tây Nguyên, Bộ KH&ĐT cho biết, một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng khó đạt kế hoạch cả năm, cần nỗ lực phấn đấu như tốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Một số địa phương tốc độ tăng trưởng 6 tháng còn thấp, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng chung của vùng như TP Đà Nẵng (4,99%), Quảng Ngãi (4,03%) và Khánh Hòa (0,49%). Sản xuất công nghiệp một số địa phương gặp khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ, vận chuyển gặp khó khăn. Khu vực du lịch, dịch vụ tại các địa bàn trọng điểm tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng doanh nghiệp sản xuất cầm chừng và tạm ngừng sản xuất, đóng cửa tăng.

Trước đó sáng 14/9 tại Hội nghị trực tuyến Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi Bắc Bộ, Bộ KH&ĐT tính toán tốc độ tăng trưởng của miền Bắc (gồm trung du, miền núi Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng) ước đạt 7,04%.

“Nguyên nhân do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và sản xuất, kinh doanh. Nhiều thị trường suy giảm mức cầu nên một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như ôtô, xe máy, điện thoại, linh kiện điện tử… giảm”, Bộ KH&ĐT nhận định. Dự báo tăng trưởng GRDP của khu vực Đồng bằng sông Hồng năm 2022 đạt khoảng 7,91%. Thu nhập bình quân đầu người theo giá hàng hóa sẽ đạt khoảng 110 triệu đồng/năm. Các tỉnh miền Bắc dự kiến xuất khẩu khối lượng hàng hóa ước đạt khoảng 98 tỷ USD.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong tháng 9, từ quý IV chuyển sang trạng thái bình thường mới, dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2021 có khả năng đạt 3,5 - 4%. “Dự báo này thấp hơn mục tiêu 6,5% trong năm nay, nhưng để đạt được mức này là sự nỗ lực rất lớn, đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị và địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Nếu GDP đạt mức này, đây sẽ là năm thứ hai tăng trưởng GDP của Việt Nam không hoàn thành kế hoạch. Năm 2020, GDP tăng trưởng 2,92% do chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu chung của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, nhằm thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm 2021, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là các địa phương tập trung thực hiện tốt phòng chống dịch, không để bùng phát trở lại dẫn đến giãn cách xã hội, làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng.

"Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, tuy nhiên, nghị quyết có đi vào cuộc sống hay không, phụ thuộc vào các bộ, ngành vì một số giải pháp được giao cho các bộ nghiên cứu, xem xét để ban hành”, Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong lúc khó khăn của dịch bệnh như hiện nay, thái độ của chính quyền địa phương với doanh nghiệp còn quan trọng hơn cả những hỗ trợ nêu trên.

Cùng với đó, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế của địa phương, tranh thủ cơ hội mới, xu thế mới của thế giới để đạt các chỉ tiêu tăng trưởng, đóng góp cho tăng trưởng chung của đất nước…

Theo Bộ KH&ĐT, các địa phương cần tăng cường chương trình phối hợp gặp gỡ đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bám sát bối cảnh và xu thế mới để dự báo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm cả đầu tư công.

Vấn đề liên kết vùng, quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương. Nếu làm tốt vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương. Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022. Trong đó, cần tập trung về công tác dự báo, đánh giá, phân tích tình hình, bối cảnh “bình thường mới”.

Một trong những nhấn mạnh trong năm 2022 của Bộ KH&ĐT là cơ cấu lại ngành du lịch toàn vùng, đây được coi là một trọng tâm phục hồi tăng trưởng sau dịch Covid-19. Bộ đề nghị các tỉnh xây dựng kịch bản phục hồi và cơ cấu lại ngành du lịch trong trạng thái ''bình thường mới''.

Ngoài ra, cần xây dựng và kết nối các điểm đến du lịch thành các tour, tuyến du lịch liên kết để tăng cường quảng bá, tuyên truyền, thu hút khách du lịch đến với các tỉnh. Khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP… cũng được nhấn mạnh để phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, cơ quan này đang dần hoàn thiện đề án phục hồi kinh tế. Đề án xác định cả năm 2022 và 2023 sẽ là giai đoạn phục hồi kinh tế. “Ngay trong tháng 10 chúng tôi sẽ trình các cấp có thẩm quyền thông qua”, Bộ trưởng cho biết nhưng không nói cụ thể về đề án.