Bộ KH&ĐT: Không ít cơ quan, đơn vị áp dụng hình thức chỉ định thầu với số lượng lớn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Báo cáo của Bộ KH&ĐT, năm 2018, cả nước đã tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 249.622 gói thầu trong phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu với tổng giá gói thầu 683.599 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 647.676 tỷ đồng, chênh lệch giảm 35.923 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm trung bình 5,26%.

So với năm 2017 thì năm 2018 tổng số gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu tăng 1,13%, tổng giá gói thầu tăng 1,22% và tổng giá trúng thầu tăng 1,28% nhưng tỷ lệ tiết kiệm trung bình giảm (năm 2017 tỷ lệ tiết kiệm đạt 6,98%).
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, năm 2018 tỷ lệ tiết kiệm chung về đấu thầu của cả nước giảm rõ rệt so với năm 2017, giảm cả đối với các gói thầu sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Trong đó chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu theo hình thức khác (trong trường hợp đặc biệt, tham gia thực hiện của cộng đồng) có tỷ lệ tiết kiệm thấp nhất, lần lượt là 2,81% và 0,93%. Trong số 10 cơ quan, đơn vị có tỷ lệ tiết kiệm thấp nhất cả nước thì có 4 tỉnh: Yên Bái, Hà Giang, Quảng Trị, Ninh Bình, với tỷ lệ tiết kiệm năm 2018 đều đạt dưới 1%. Trong khi đó, tỉnh Cà Mau là đơn vị có tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu cao nhất cả nước, đạt 16,75%.
Bộ KH&ĐT đánh giá, trong 3 năm qua, tỷ trọng chỉ định thầu có giảm, song tỷ lệ tiết kiệm chung trong đấu thầu có xu hướng giảm dần (năm 2016 là 7,15%; năm 2017 là 6,98% và năm 2018 còn 5,26%). Đặc biệt, vẫn còn không ít cơ quan, đơn vị áp dụng hình thức chỉ định thầu với số lượng lớn và tỷ lệ tiết kiệm rất thấp; nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực hiện mua sắm tập trung; tỷ lệ tiết kiệm trong mua sắm tập trung tuy cao hơn mức tiết kiệm bình quân trên cả nước nhưng chưa đồng đều.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần