Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ máy hiệu quả, gần dân từ những đột phá cải cách hành chính

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2024 ghi dấu ấn nổi bật trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của TP Hà Nội với nhiều đổi mới, góp phần quan trọng vào nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước cũng như sự hài lòng của người dân, DN.

Cải cách từ khâu chỉ đạo, điều hành

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường đánh giá, công tác CCHC của Thủ đô trong năm 2024 tập trung vào cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; nâng cao các chỉ số CCHC toàn diện trên các mặt chỉ đạo điều hành, cải cách thể chế và xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Nhiều mô hình, sáng kiến CCHC của Hà Nội được T.Ư đánh giá cao; đoàn công tác một số tỉnh, TP đến học tập.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền CCHC, nét mới là TP quan tâm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ CCHC chuyên sâu cho đội ngũ chuyên môn với trên 400 cán bộ, công chức từ sở, ngành đến huyện, xã tham gia. Qua đó, được tuyên truyền nâng cao nhận thức về thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ và các nội dung cải thiện Chỉ số PAR-Index, SIPAS của TP; nâng cao kỹ năng trả lời người dân, tổ chức trên môi trường số; trao đổi, nhân rộng những sáng kiến, kinh nghiệm CCHC, việc làm hiệu quả của chính quyền TP với người dân, DN…

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong cải cách hành chính năm 2023. Ảnh: Phạm Hùng
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong cải cách hành chính năm 2023. Ảnh: Phạm Hùng

Đặc biệt, không chỉ điều chỉnh khung CCHC của sở, ngành, quận, huyện sao cho quy định các tiêu chí thành phần được triển khai hiệu quả hơn với người dân và DN, không còn mang tính “vĩ mô”; mà trong năm qua, khung CCHC với đơn vị quản lý trực tiếp là cấp xã cũng được thay đổi, nhằm theo kịp mọi vấn đề sát sườn với nhu cầu người dân. Hơn nữa, TP đưa vào thêm khung CCHC với cơ quan “ngành dọc” đóng trên địa bàn và các đơn vị sự nghiệp công lập.

“Hiện người dân hài lòng hay không hài lòng, phụ thuộc vào chất lượng giải quyết TTHC và công việc không chỉ của khối chính quyền mà còn của các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc, điện, công an… Nếu họ không hài lòng vì cảm thấy chưa được giải quyết những vướng mắc, chính là TP chưa đạt được mục tiêu đặt ra trong CCHC” - ông Mai Xuân Trường nhận định.

Liên quan đến điều chỉnh quản lý quy trình giải quyết TTHC, cũng theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ, đáng kể là TP đã đưa vào mô hình Trung tâm dịch vụ hành chính công, chính thức hoạt động từ đầu năm 2025. Các hồ sơ hành chính được đưa về một đầu mối để kiểm soát, tránh sự thiếu minh bạch có thể xảy ra khi quận, huyện tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Trong lĩnh vực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, có thể thấy giải pháp Công dân Thủ đô số - iHaNoi ra mắt là một dấu mốc quan trọng, giúp người dân TP có thể lập tức phản ánh với chính quyền mọi vấn đề bức xúc, thay vì mất thời gian gửi đơn, thư. Công dân thấy chính quyền vào cuộc xử lý ngay, sẽ góp phần nâng cao Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của TP.

Minh chứng cho cam kết “chính quyền phục vụ”

Song song với những cải cách lớn trong công tác chỉ đạo điều hành của TP, năm 2024 xuất hiện nhiều sáng kiến CCHC nổi bật ngay từ cấp cơ sở, mang lại lợi ích đáng kể nâng cao hiệu quả làm việc, chất lượng cung ứng dịch vụ công của cơ quan chính quyền và tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC cho người dân, DN.

Tiêu biểu trong thực hiện mục tiêu cải cách TTHC, giải pháp thay thế máy xếp hàng tự động sử dụng công nghệ thông minh để phân luồng và sắp xếp thứ tự phục vụ tại UBND quận Long Biên, giúp cải thiện quy trình làm việc tại Bộ phận “một cửa”, giảm thời gian chờ đợi, tối ưu hóa việc xử lý yêu cầu của công dân. Thiết bị có thể thay thế máy lấy số tự động trước đây mà vẫn bảo đảm giữ thứ tự cho công dân khi giao dịch; hoạt động theo cơ chế sạc với điện năng tiêu thụ thấp; không yêu cầu phần mềm, kết nối internet.

 

Những ý tưởng, mô hình CCHC từ TP đến tận cơ sở không chỉ thể hiện tinh thần đổi mới của đội ngũ CBCCVC mà còn minh chứng cho cam kết của Hà Nội trong cải thiện hệ thống cơ quan hành chính, phục vụ người dân, DN. TP sẽ tiếp tục nỗ lực, sáng tạo nhiều hơn để nâng cao sự hài lòng của người dân; xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, bền vững không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn định hướng phát triển của Thủ đô trong Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải

Trong khi, kích thước nhỏ gọn, không tiêu hao vật tư phụ liệu; không xả giấy ra môi trường; không phát tiếng ồn, mà tầm bán kính hoạt động lớn, nên hỗ trợ công dân không phải chờ đến lượt như giải pháp cũ. Tần suất tái sử dụng, lại dễ thay thế linh kiện do sản phẩm được bán rộng rãi.

“Đặc biệt, chi phí mua sắm thiết bị này khá thấp, tiết kiệm tới 90% dự toán đầu tư mua sắm mới, đồng thời giảm được toàn bộ kinh phí bảo trì hệ thống hàng năm. Qua một năm sử dụng, mô hình đã phục vụ hơn 200.000 lượt hồ sơ TTHC, trong khi không thiết bị nào hỏng phải thay thế, bảo trì” -  Trưởng phòng Nội vụ quận Long Biên Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ.

Tại UBND huyện Mê Linh, giải pháp tích hợp “thủ tục liên thông đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận thông báo nhắc lịch tiêm chủng cho trẻ 0 - 24 tháng tuổi” cũng thể hiện hiệu quả cao khi giúp những gia đình có trẻ nhỏ thực hiện 2 TTHC quan trọng chỉ trong một lần đăng ký, tiết kiệm thời gian, công sức và tăng tính liên thông giữa các TTHC. Bên cạnh đó, trên toàn TP cũng xuất hiện những ý tưởng, giải pháp cơ động hướng tới người dân, nâng cao tính tiện lợi, đáp ứng nhanh nhu cầu giải quyết TTHC, đặc biệt là nhóm người yếu thế trong xã hội.

Nổi bật, mô hình “Phục vụ người có công với cách mạng, người yếu thế, các trường hợp bất khả kháng được tiếp nhận và giải quyết TTHC tại nhà” mới gần 4 tháng triển khai tại quận Hai Bà Trưng đã được người dân, cán bộ cơ sở ghi nhận ý nghĩa thiết thực với hơn 100 trường hợp được phục vụ. Một yêu cầu là cán bộ phải đến tận nhà phục vụ do đối tượng thụ hưởng chủ yếu hạn chế trình độ công nghệ thông tin, khó khăn trong thực hiện TTHC; một số TTHC có đặc thù phức tạp, vì thế thực hiện mô hình đòi hỏi quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ của các bộ phận. Song, với mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả, lãnh đạo quận đã quán triệt mọi cán bộ công chức nâng cao trách nhiệm, chất lượng giải quyết TTHC cho người dân.

Trong khối sở ngành, tiêu biểu là mô hình “Đón tiếp khám chữa bệnh bằng Kiosk tự phục vụ” của Sở Y tế Hà Nội giúp giảm TTHC và các bước chờ đợi để người bệnh được vào phòng khám không phải mang nhiều giấy tờ với hệ thống an toàn thông tin kết hợp nhận diện khuôn mặt và các thông tin dữ liệu chính xác.

“Giải pháp góp phần ngăn chặn trục lợi bảo hiểm xã hội, tự động hóa giảm rủi ro sai sót xuất phát từ nhập liệu thủ công; tích hợp nhiều tính năng trên Kiosk (tiếp đón, thanh toán…); chuẩn hóa dữ liệu đầu vào trong khám chữa bệnh với 18 trường thông tin đọc được từ chip của CCCD/VneID”, Trưởng phòng CNTT, Bệnh viện Xanh pôn Đoàn Tiến Minh cho hay.