Bộ Ngoại giao lên tiếng về các sắc phong bị rao bán ở Trung Quốc

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ VHTT&DL và các địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo sát các diễn biến vụ việc.

Vừa qua có thông tin một số đạo sắc phong của Việt Nam được đưa ra bán đấu giá ở Trung Quốc. Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 20/4, phóng viên đã đặt câu hỏi về kế hoạch của Việt Nam để đưa những đạo sắc phong này về nước thời gian tới.

Đạo sắc phong Việt Nam được thông tin sẽ đưa ra đấu giá ngày 22/4 đã được gỡ bỏ trên website Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” .
Đạo sắc phong Việt Nam được thông tin sẽ đưa ra đấu giá ngày 22/4 đã được gỡ bỏ trên website Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” .

Trả lời vấn đề này, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, sau khi làm việc với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và UBND tỉnh Phú Thọ, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải đã làm việc với các cơ quan chức năng của thành phố Thượng Hải đề nghị tạm dừng bán đấu giá những sắc phong này.

"Chúng tôi yêu cầu phía Thượng Hải cung cấp thông tin về các sắc phong. Ngày 19/4, đại diện của Cục Văn hoá và Du lịch Thượng Hải thông báo quyết định tạm dừng cuộc bán đấu giá, sẵn sàng phối hợp với phía Việt Nam để cung cấp các thông tin liên quan", Phó Phát ngôn Đoàn Khắc Việt thông tin. 

Trong thời gian tới Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ VHTT&DL và các địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo sát các diễn biến vụ việc.

Trước đó, vào ngày 12/4, Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” đăng tải thông tin vào 9 giờ 30 ngày 22/4/2023, tại Khách sạn Majesty Plaza Thượng Hải sẽ diễn ra phiên đấu giá với tên gọi Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm (ký hiệu phiên đấu giá S23041).

Được biết, hiện vật đấu giá là 672 món đồ bằng giấy, trong đó có những đạo sắc có khả năng là hiện vật gốc, nguồn gốc của Việt Nam. Ngay sau đó, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) đã đề nghị 5 địa phương xác minh thông tin nêu trên. Các địa phương Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương xác nhận các đạo sắc phong bị rao bán là tài sản bị đánh cắp do địa phương quản lý.

Mới đây, Bộ VHTT&DL đã có công văn đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì, làm việc với UNESCO và các tổ chức, cơ quan liên quan của Trung Quốc, thông qua đàm phán ngoại giao bằng việc thực hiện cam kết của các quốc gia thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970 để hồi hương các sắc phong có nguồn gốc từ Việt Nam được nhập khẩu bất hợp pháp vào Trung Quốc.