Bổ nhiệm thừa cán bộ: Không còn là chuyện cá biệt

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bổ nhiệm thừa cán bộ, “cả họ làm quan”, bổ nhiệm người nhà, người thân hay bổ nhiệm sai quy trình… là những vấn đề liên tục được nhắc đến trong thời gian vừa qua.

Liên tiếp các trường hợp, vụ việc được báo chí đưa tin, cơ quan chức năng phát hiện, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm đã khiến câu chuyện bổ nhiệm cán bộ càng thêm nóng, nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận.
 Hiện tượng dòng họ lôi kéo nhau làm làm quan đang diễn ra tràn lan và rất không bình thường. Ảnh: PLO
Trước thực trạng ấy, ngày 23/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP xem xét, có hình thức xử lý kỷ luật đối với cá nhân vi phạm pháp luật trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Để tránh những sai phạm tương tự, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, đề xuất phương án hoàn thiện, khắc phục bất cập trong quản lý cán bộ, công chức thời gian qua, lưu ý những vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà của người có chức vụ, quyền hạn…
Nhưng điều đáng nói là ngay sau chỉ đạo ấy, liên tiếp những vụ việc khác lại xuất hiện. Tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã phải yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên, Bộ Nội vụ khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh về việc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 cán bộ; làm rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan nếu có sai phạm; xem xét, miễn nhiệm chức vụ đối với các trường hợp sai phạm… Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương kiểm tra, làm rõ việc tại Sở TN&MT tỉnh Bình Định có 6 Phó Giám đốc mà báo chí đã phản ánh.
Còn tại các địa phương, Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng vừa làm rõ trách nhiệm và tổ chức kiểm điểm một số cá nhân liên quan đến việc bổ nhiệm sai quy trình đối với một cán bộ lãnh đạo thuộc Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện A Lưới. Rồi những vụ việc bổ nhiệm nhiều người nhà vào những vị trí quan trọng tại huyện của Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Giang đã cho thấy những lỏng lẻo trong quản lý cán bộ. Bởi nhiều chuyên gia cho rằng, việc sắp xếp nhân sự như vậy rất dễ dẫn đến tình trạng “tình cảm gia đình” chi phối công việc, lợi ích…
Có thể nói rằng, những sai phạm ấy đều có sự chỉ đạo xử lý kịp thời, đã thể hiện sự cương quyết trong việc xử lý những sai phạm trong công tác cán bộ của T.Ư. Nhưng trước các vụ việc liên tiếp được đưa ra, khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu còn nữa không những vụ việc tương tự?
 Điều đáng buồn là tất cả các trường hợp được bổ nhiệm đều được những người liên quan lý giải đã làm đúng quy trình, không có gì khuất tất. Cũng lựa chọn quy hoạch, đưa đi đào tạo, luân chuyển… rồi mới bổ nhiệm, đề bạt. Bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn bị nghi vấn; đúng quy trình nhưng lại gây bức xúc trong dư luận xã hội, bởi “đúng quy trình nhưng lại không chọn trúng người”. Vô tình, quy trình được coi là tấm lá chắn, là cái cớ để bảo vệ, hợp pháp hóa những việc làm sai trong việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
Thông tin Bộ Chính trị vừa có kết luận về sửa đổi, bổ sung một số quy định về công tác cán bộ với quy trình bổ nhiệm cán bộ qua 5 bước chặt chẽ, được nhiều người cho rằng sẽ là một biện pháp để điều trị “bệnh” bổ nhiệm người nhà đang lây lan. Bởi quy trình này được xem là phát huy hơn vai trò của tập thể và nâng cao tính công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận. Và được kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển trong công tác cán bộ. Nhưng, để quy trình thực sự “tốt” đòi hỏi người thực hiện nó phải là những người công tâm, sự trung thực của người đứng đầu; tinh thần trách nhiệm, vì tập thể của mỗi cấp ủy. Và cần phải mở rộng quyền giám sát của đảng viên, Nhân dân, ngăn chặn kịp thời những trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm không đúng. Cùng với đó, phải kiên quyết xử lý với mức cao nhất những người có thẩm quyền liên quan đến các trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ không đúng, như vậy mới ngăn chặn được hiện tượng đã không còn là cá biệt hiện nay.