Bộ NN&PTNT nói về nhận định thiệt hại hơn 70.000 tỷ đồng do hạn, mặn

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thông tin thiệt hại do hạn, mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long lên tới hơn 70.000 tỷ đồng, đại diện Bộ NN&PTNT khẳng định thiệt hại không thể lớn như con số nêu trên.

Mới đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học Tài nguyên nước đã tiến hành nghiên cứu, lập bản đồ thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả cho thấy, với kịch bản hiện trạng, tổng mức thiệt hại do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 70.168 tỉ đồng. Đây là thiệt hại gây ra với hoạt động sản xuất nông nghiệp gồm cây ăn quả, hoa màu, lúa và thủy sản.

Các nhà khoa học của Viện Khoa học Tài nguyên nước thậm chí còn xây dựng lên kịch bản thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra tại Đồng bằng sông Cửu Long ở các năm 2030, năm 2040 và năm 2050, với mức thiệt hại ước tính lần lượt là 72.385 tỷ đồng, 73.530 tỷ đồng và 76.485 tỷ đồng.

Hạn, mặn đang xảy ra tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh hoạ.
Hạn, mặn đang xảy ra tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh hoạ.

Trước thông tin về con số thiệt hại do hạn mặn nêu trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, mới nghe nói đến và chưa nghiên cứu kỹ thiệt hại trên được tính từ đâu. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định: nếu thiệt hại về sản xuất nông nghiệp thì không đến (thiệt hại này tính cả cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, mùa hạn, mặn năm 2024, thiệt hại về nông sản là không đáng kể. Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở mùa hạn cao điểm thì có khoảng 800ha lúa bị ảnh hưởng giảm năng suất 50% trên tổng số 1,5 triệu héc-ta xuống giống.

“Về cây trồng, cây ăn trái thì ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa bị thiệt hại một cây nào trong mùa hạn, mặn năm nay, vì người dân đã có giải pháp phòng, chống. Đối với nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là tôm, cá thì mặn thậm chí có tác động tích cực…” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin thêm, đồng thời cho biết sẽ kiểm tra lại các số liệu công bố.

Theo đánh giá mới nhất của Cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT), sau 1 tuần có xu hướng giảm, từ ngày 22/3 đến nay, xâm nhập mặn có xu thế tăng, và xu hướng này được dự báo sẽ còn kéo dài cho đến ít nhất là ngày 28/3/2024. Ranh mặn 4g/l từ 45 - 55km tại trên các cửa sông Cửu Long, từ 80 - 85 km trên sông Vàm Cỏ và từ 46 - 52 km trên sông Cái Lớn.

Từ những cơ sở trên, Cục Thuỷ lợi nhận định nguy cơ xuất hiện tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và mùa khô năm 2022 - 2023, nhưng không gay gắt như các năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020.

Để chủ động ứng phó với hạn, mặn, từ cuối tháng 1/2024, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị số 661/CT-BNN-TL về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023 - 2024.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Công điện số 19/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện, Cục Thủy lợi đang phối hợp với các đơn vị sự nghiệp khoa học thuộc Bộ NN&PTNT tăng cường theo dõi thông tin thượng nguồn sông Mê Kông, cập nhật diễn biến nguồn nước và nhận định tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn năm 2024 để có thông tin kịp thời phục vụ công tác phòng, chống, hạn chế thiệt hại do hạn, mặn.