Bộ NN&PTNT: Tạm dừng nhập khẩu lợn từ Thái Lan không ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho hay, việc tạm dừng nhập khẩu lợn từ Thái Lan không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung trong nước.

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, ngày 19/5, trong quá trình kiểm dịch nhập khẩu lô lợn 980 con nhập khẩu từ Thái Lan để giết mổ, cơ quan kiểm dịch đã phát hiện lô lợn này bị nhiễm bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam và kiểm soát chất lượng thịt khi đưa ra thị trường, Bộ NN&PTNT đã quyết định tạm dừng nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về giết mổ kể từ ngày 30/6.

 Việt Nam tạm dừng nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan từ ngày 30/6.

Lý giải về việc Bộ NN&PTNT đưa ra quyết định này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho hay, việc tạm dừng nhập khẩu lợn từ Thái Lan không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung trong nước.

Hiện nay, các địa phương vẫn tiếp tục thúc đẩy việc tái đàn, tổng đàn lợn cả nước ở thời điểm hiện tại đã lên tới hơn 27 triệu con, bằng 89% so với trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Hiện, thịt lợn nhập khẩu từ Thái Lan chỉ chiếm khoảng 4-5% trong tổng sản lượng thịt lợn nhập khẩu của các nước về Việt Nam.

Khẳng định việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm thịt lợn trước khi đưa ra thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, việc bảo quản thịt lợn đông lạnh sau khi nhập khẩu và sản xuất trong nước đều đã có quy trình rõ ràng. Do đó, các đơn vị chức năng của ngành nông nghiệp cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm.

Theo đó, 100% lô hàng thịt nhập vào Việt Nam phải nằm ngoài cảng để đợi lấy mẫu kiểm tra theo quy định, nếu đạt yêu cầu mới cho nhập khẩu, nếu thịt không bảo đảm chất lượng sẽ bị xử lý theo quy định.

Nhiều DN sản xuất, cung ứng thịt lợn trong nước cho rằng, để thịt lợn nhập khẩu đến tay người tiêu dùng với chất lượng cao và giá cả phù hợp, các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ quy trình nhập khẩu, bảo quản, niêm yết giá bán rõ ràng. Qua đó, tạo sự cạnh tranh lành mạnh với thịt lợn sản xuất trong nước.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát chất lượng thịt lợn bày bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ tạm. Đồng thời, kiên quyết dẹp bỏ các điểm, cơ sở kinh doanh thịt lợn nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần