Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bỏ nội dung cấm ghi âm, ghi hình ngụy trang

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một thời gian lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị, Bộ Công an đã thống nhất bỏ nội dung gây tranh cãi cấm ghi âm ghi hình ngụy trang.

Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) sau hơn 15 ngày công bố về Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các cơ quan chuyên môn.

 Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Trong đó, một trong những nội dung của dự thảo nghị định gây tranh cãi tại Khoản 3 Điều 4: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.
Khi dự thảo Nghị định này được công bố đã có nhiều ý kiến của chuyên gia pháp lý phản bác với Dự thảo của Bộ Công an vì cho rằng quy định cấm công dân không được sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình với mục đích hợp pháp là trái với quy định của Hiến pháp.
Đồng thời, có một số ý kiến không đồng tình với dự thảo vì cho rằng điều đó đã gây trói buộc, ảnh hưởng đến hoạt động điều tra, hạn chế vai trò của báo chí và quyền con người trong công tác đấu tranh chống tiêu cực. Sau khi tổng hợp các ý kiến, Bộ Công an đã thống nhất bỏ nội dung trên ra khỏi Dự thảo Nghị định.
Theo đó, Ban soạn thảo thống nhất Nghị định chỉ quy định về điều kiện kinh doanh của lĩnh vực này cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu và chưa bó buộc cụ thể đối tượng được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị…
Cùng liên quan đến vấn đề này, trước đó ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết: “Hiến pháp đã quy định nguyên tắc mọi tổ chức cá nhân được làm điều pháp luật không cấm, muốn cấm phải cấm bằng luật. Thế nên, trong dự thảo Nghị định này không thể cấm các cá nhân sử dụng thiết bị này được. Nếu Luật Báo chí cho phép tác nghiệp thế nào, các phóng viên, nhà báo được quyền tác nghiệp theo luật như thế”.