Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Nội vụ: Mỗi sáng kiến dùng một lần làm tiêu chuẩn đề nghị khen thưởng

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Bộ Nội vụ lưu ý, một sáng kiến chỉ được sử dụng một lần khi làm tiêu chuẩn đề nghị khen thưởng; với sáng kiến đã sử dụng khi xét danh hiệu thi đua thì không được dùng trong xét hình thức khen thưởng và ngược lại; không dùng một sáng kiến để xét nhiều hình thức khen thưởng.

Bộ Nội vụ vừa có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương về việc đề nghị nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá, công tác thi đua, khen thưởng còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó, hình thức, nội dung và phương pháp tổ chức phong trào thi đua chậm được đổi mới, tiêu chí đánh giá thi đua chưa rõ; có nơi còn áp đặt mang tính hình thức trong việc đề ra các nội dung thi đua, chạy theo thành tích.

Đồng thời, vẫn còn tình trạng công tác khen thưởng chưa gắn với kết quả phong trào thi đua. Tại một số địa phương, cơ quan, tổ chức, khen thưởng chưa kịp thời, chính xác, chưa bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, dẫn đến khen thưởng và đề nghị khen thưởng chưa đúng người, đúng việc.

Trước thực tế trên, lãnh đạo Bộ Nội vụ nhấn mạnh yêu cầu, báo cáo thành tích khen thưởng phải đảm bảo không bị trùng với các thành tích đã đề nghị khen thưởng trước đó và cần thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 12 của Bộ Nội vụ là không tặng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được. Trong đó, báo cáo thành tích khen thưởng của cá nhân đã hy sinh, từ trần phải do cơ quan quản lý trực tiếp lập và đề nghị.

Lưu ý đối với việc khen thưởng thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế, phải có quyết định nghiệm thu, công nhận của cấp có thẩm quyền và các tài liệu chứng minh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho các đơn vị tại Hội nghị biểu dương kết quả phong trào thi đua năm 2022 do UBND TP Hà Nội tổ chức (Ảnh: Khánh Huy)
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho các đơn vị tại Hội nghị biểu dương kết quả phong trào thi đua năm 2022 do UBND TP Hà Nội tổ chức (Ảnh: Khánh Huy)
Theo Bộ Nội vụ, thời gian qua, nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành quy định về việc phân biệt các sáng kiến cấp cơ sở, cấp bộ, ngành, tỉnh và sáng kiến cấp toàn quốc; từ đó dẫn đến việc công nhận sáng kiến không đúng quy định.
Bộ Nội vụ lưu ý, một sáng kiến chỉ được sử dụng một lần khi làm tiêu chuẩn đề nghị khen thưởng; đối với sáng kiến đã sử dụng khi xét danh hiệu thi đua thì không được dùng trong xét hình thức khen thưởng và ngược lại; không dùng một sáng kiến để xét nhiều hình thức khen thưởng.
Cơ quan này cũng nhận định, thời gian qua, nhiều hồ sơ khi trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị khen thưởng còn thiếu ý kiến bằng văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn đối với cá nhân thuộc quyền quản lý.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ nhấn mạnh, quá trình đề nghị khen thưởng, các bộ ngành, địa phương phải lấy ý kiến Nhân dân về các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trước khi họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng. Nội dung này phải có tài liệu minh chứng cho việc này được thể hiện trong hồ sơ đề nghị khen thưởng. Đồng thời, lưu ý không đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước (Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương) cho tập thể, cá nhân không do bộ, ngành quản lý chuyên môn theo ngành dọc.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị rà soát các trường hợp thuộc bộ, ngành, tỉnh đã được khen thưởng, trước mắt từ ngày 1/6/2014 (ngày Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013 có hiệu lực của) nhưng có vi phạm pháp luật, bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự trong thời gian tính thành tích khen thưởng; làm thủ tục hủy bỏ quyết định khen thưởng và thu hồi hiện vật khen thưởng theo quy định.