Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Nội vụ: Tinh giản 79.000 biên chế mới là kết quả bước đầu

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại buổi họp báo định kỳ của Bộ Nội vụ chiều nay, 26/12, Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Biên chế Vũ Hải Nam khẳng định, số lượng tinh giản biên chế với 79.000 người vừa qua mới là kết quả bước đầu; tới đây sẽ tiếp tục rà soát, tinh giản những người chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Tiếp tục tinh giản người chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn

Liên quan vấn đề tinh giản biên chế đang rất được quan tâm, tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, đến nay, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ở các bộ, ngành, địa phương là 79.057 người (chiếm tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016- 2021). Trong đó, các bộ, ngành là 5.510 người và địa phương là 73.547 người. Bộ Nội vụ cũng phối hợp các bộ, ngành rà soát, xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm đối với CBCCVC và CBCC cấp xã; đến nay đã phối hợp tham gia ý kiến với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện 13 dự thảo thông tư về vị trí việc làm công chức và 18 dự thảo thông tư vị trí việc làm viên chức.

Trả lời các câu hỏi về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ Vũ Hải Nam cho biết: Kết quả tinh giản 79.000 biên chế thời gian qua mới chỉ là bước đầu; tới đây, trong quá trình hoàn thiện việc triển khai đề án vị trí việc làm, các địa phương, đơn vị sẽ rà soát lại theo tiêu chí, tiếp tục tinh giản những người chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ Vũ Hải Nam trả lời các vấn đề liên quan tinh giản biên chế
Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ Vũ Hải Nam trả lời các vấn đề liên quan tinh giản biên chế

Đặc biệt, trả lời câu hỏi liên quan việc TP Hồ Chí Minh thừa hơn 5.700 biên chế và tỉnh Bình Dương thừa hơn 3.000 biên chế, các địa phương này đã có báo cáo cụ thể và hướng xử lý như thế nào, ông Vũ Hải Nam cho hay đây là những địa bàn có tốc độ phát triển kinh tế cao, yêu cầu nhân lực đáp ứng nhiệm vụ rất lớn. Hiện Bộ Nội vụ đã tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị trong xây dựng biên chế cả giai đoạn 2022-2026, Bộ Chính trị đã có quyết định giao biên chế cho các địa phương thực hiện. Lộ trình tinh giản biên chế từ nay đến năm 2026 cũng sẽ do địa phương chủ động xây dựng phương án, báo cáo Ban Tổ chức T.Ư để theo dõi.

Đối với riêng TP Hồ Chí Minh, theo ông Nam, có thực trạng qua quá trình phát triển thì số lượng biên chế của TP vượt so với T.Ư giao. Xung quanh con số "vượt" này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có buổi làm việc với TP về vấn đề thừa biên chế, đang phối hợp TP báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương để có hướng xử lý. "Tinh thần chung là tạo điều kiện tốt nhất để TP Hồ Chí Minh có đủ nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, bởi đây là địa bàn theo đánh giá của Bộ Chính trị là động lực, đóng góp tỷ trọng GDP rất lớn cho đất nước"- ông Nam nêu rõ.

Theo Bộ Nội vụ, dự kiến trong năm 2023, Bộ sẽ xây dựng đội ngũ CBCCVC có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài. Đặc biệt, trọng tâm trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả được cơ quan này đề ra là tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập các bộ, ngành, địa phương. Bộ Nội vụ mới đây đã có văn bản gửi các bộ, tỉnh, TP về việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Thời gian qua, Bộ nhận được báo cáo kết quả thực hiện tinh giản biên chế của các bộ, ngành, địa phương để kiểm tra theo quy định. Qua kiểm tra kết quả thực hiện, có một số bộ, ngành, địa phương tinh giản biên chế chưa đúng đối tượng.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì họp báo
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì họp báo

Vì vậy, Bộ Nội vụ yêu cầu những bộ, ngành, địa phương này phải báo cáo, giải trình và đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường hợp: Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ mà vẫn bố trí vào làm công chức, viên chức hoặc cán bộ cấp xã; công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn đề nghị giải quyết chế độ tinh giản biên chế…

Nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý vệ sinh ATTP của TP Hồ Chí Minh

Trước câu hỏi đề cập quan điểm của Bộ Nội vụ về việc TP Hồ Chí Minh đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm, Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế cho biết, đây là nội dung TP này đang đưa vào trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP để trình Quốc hội. Vừa qua Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã làm việc với TP Hồ Chí Minh và đang giao các cơ quan chức năng TP phối hợp Bộ Nội vụ để nghiên cứu, xác định phương án khả thi nhất đối với mô hình quản lý tập trung thống nhất trong lĩnh vực về an toàn thực phẩm.

Cũng theo ông Nam, lĩnh vực ATTP có liên quan 3 bộ, trong đó Bộ Y tế là cơ quan chủ trì, tham mưu, giúp quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Ngoài ra còn có Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT. Ở địa phương cũng có 3 sở. Tại TP Hồ Chí Minh đang thực hiện mô hình thí điểm là Ban ATTP, theo đánh giá của TP thì ban là mô hình tổ chức thực thi, còn chức năng tham mưu vẫn để ở 3 sở. Ban ATTP trong quá trình thực hiện mô hình thí điểm đã xây dựng các quy chế phối hợp rất tốt với các sở, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan, các địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ. Song, theo tinh thần Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư, sẽ tiếp tục nghiên cứu kiện toàn mô hình để thống nhất đầu mối về lĩnh vực ATTP thì hiện TP Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án thí điểm.

“Bộ Nội vụ trong thời gian tới có trách nhiệm phối hợp TP Hồ Chí Minh nghiên cứu đề xuất với Quốc hội, Chính phủ thí điểm theo mô hình nào là hợp lý nhất để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh ATTP"- ông Nam nhấn mạnh.