Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Nông nghiệp chỉ hoàn thành 88% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tác động của dịch Covid-19 khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của nhiều bộ ngành bị ảnh hưởng, trong đó có Bộ NN&PTNT. Kết quả giải ngân của Bộ này năm qua chỉ đạt 88% kế hoạch năm.

Năm 2020 là năm cuối, cũng là năm trọng điểm thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Bộ NN&PTNT đã sớm giao kế hoạch vốn; hàng tháng tổ chức các cuộc họp giao ban, tháo gỡ khó khăn cho các dự án, quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.
Ngày 28/2/2020, Bộ đã ban hành Chỉ thị số 1493/CT-BNN-KH về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đầu tư và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Ban Cán sự đảng Bộ ban hành Nghị quyết số 1021-NQ/BCSĐ ngày 25/3/2020 về lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công do Bộ quản lý.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của Bộ NN&PTNT chỉ đạt 88% kế hoạch. Ảnh minh hoạ.
Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính phân bổ vốn đúng quy định; đồng thời giao kế hoạch sớm để các đơn vị chủ động trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch. Theo dõi tình hình từng dự án, chủ đầu tư để đôn đốc quyết liệt tiến độ thực hiện, giải ngân. 
Theo Bộ NN&PTNT, tổng kế hoạch vốn năm 2020 đơn vị được giao là 13.978 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ là 12.148 tỷ đồng; vốn ODA 1.830 tỷ đồng. Kết quả thực hiện năm 2020, Bộ NN&PTNT đã giải ngân đạt 88% tổng nguồn vốn được phân bổ.
Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của Bộ NN&PTNT năm 2020 cao hơn mức yêu cầu tiến độ theo quý (đến hết ngày 30/6 đạt 33%, đến hết ngày 30/9 đạt 62%) và cả năm cao hơn cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, kết quả giải ngân chưa đạt 100% theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Định hướng đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện đổi mới cơ cấu và cơ chế đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công phục vụ cơ cấu lại ngành. Trong đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ các lĩnh vực sản xuất có lợi thế. Thu hút, khuyến khích đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
Để bảo đảm các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra bất thường và khó đoán định, tác động của việc sử dụng nước thượng nguồn và suy giảm rừng như hiện nay, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo xây dựng, thực hiện Chương trình riêng đầu tư đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ chứa thủy lợi và dành nguồn lực thích đáng cho Chương trình này.