Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông cho biết, trong năm 2020, cả nước đã xảy ra 1.589 ổ dịch. Trong đó bao gồm 603 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020, 27 ổ dịch phát sinh mới và 959 ổ dịch tái phát tại 307 huyện thuộc 50 tỉnh, TP. Tổng số lợn tiêu hủy trong năm 2020 là 85.525 con, với tổng trọng lượng khoảng 4.276 tấn.
Hiện nay, cả nước vẫn còn310 xã thuộc 108 huyện của 29 tỉnh, TP có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày. Tuy nhiên, 96% tổng số xã trên phạm vi cả nước đã không còn dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm điều kiện cho việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.
“Nhìn chung, dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được kiểm soát. Thời gian qua, dịch bệnh chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vì không bảo đảm được điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học…” - ông Phạm Văn Đông cho hay.
Dù dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên Bộ NN&PTNT đánh giá, nguy cơ dịch bệnh tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới vẫn là rất cao. Nguyên nhân là bởi đặc điểm của virus dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Hiện chưa có thuốc, vaccine phòng bệnh, trong khi tổng đàn lợn có thể tăng cao trong thời gian tới.
Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, nhưng việc đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học chưa thực sự tốt cũng sẽ là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi.
Ngoài ra, việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng phục vụ nhu cầu cuối năm cũng như thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến phức tạp, cực đoan, mưa lớn, thời gian tới rét đậm, rét hại gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh (đang tồn tại trong môi trường và trên một số đàn vật nuôi) có thể gây bùng phát dịch tả lợn châu Phi...