Bộ Nông nghiệp nói gì khi giống lúa ST24 ngon nhất thế giới bị giả mạo?

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ sau khi được bình chọn là giống lúa ngon nhất thế giới vào năm 2019, giống lúa ST24 của nhóm tác giả Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua đã gần như ngay lập tức bị giả mạo.

Lúa, gạo ST24 đang bị một số tổ chức, cá nhân làm giả 
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về vấn đề này chiều 21/5, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Tùng cho biết, giống lúa ST24 đã được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ giống cây trồng số 28.VN.2018 vào ngày 2/4/2018. Do đó, nếu sản xuất, kinh doanh giống lúa đã được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mà không có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả hoặc cơ quan tác giả thì hành vi này là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt.
Đại diện Cục Trồng trọt cho biết thêm, Bộ NN&PTNT có cơ quan thanh tra giám sát, tuy nhiên, nhãn mác bao bì lúa giống, gạo ST24 đã đăng ký với Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng. “Tỉnh Sóc Trăng có đầy đủ cơ quan chuyên môn và thẩm quyền thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm bản quyền sản phẩm, cũng như sản xuất, lưu hành gạo giả, giống lúa giả. Do đó, địa phương cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ” - ông Tùng nêu quan điểm.
Đánh giá thêm về việc giống lúa ngon nhất thế giới ST24 bị giả mạo ngay khi được vinh danh, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, việc làm này đang phá hỏng thương hiệu gạo Việt Nam.
“Hiện tượng sử dụng giống không đúng của tác giả, không đúng phẩm cấp, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hoặc canh tác không đúng quy trình… sẽ ảnh hưởng bất lợi đến việc xây dựng thương hiệu gạo ST24 trong nước” - ông Tùng nói.
Đại diện Cục Trồng trọt cũng chia sẻ, muốn xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam hoặc thương hiệu của doanh nghiệp tiêu thụ gạo trong nước, rất cần kinh doanh giống lúa, gạo ST24 tuân thủ theo đúng pháp luật. Nhưng không chỉ có vậy, việc sản xuất giống lúa ST24 phải bảo đảm một loạt những yếu tố khác như đúng phẩm cấp giống, đúng với vùng sản xuất, đúng mùa vụ, đúng quy trình chăm sóc…
Đặc biệt, ông Tùng cũng lưu lý quá trình kinh doanh không được phép pha trộn gạo ST24 với các loại gạo khác. Sở dĩ vậy là bởi khi pha trộn với các loại gạo khác thì dù với tỉ lệ pha rất nhỏ cũng sẽ cho ra sản phẩm gạo không đúng với giống nguyên bản.
“Người tiêu dùng trong nước có thể khó phân biệt, nhưng đến khi xuất khẩu thì khó có thể “qua mắt” được doanh nghiệp nước ngoài, bởi chất lượng gạo ST24 đã được họ phân tích rất kỹ về chất lượng thông qua nhiều thông số. Nếu xảy ra sự cố, uy tín của ST24 cũng như giá trị của giống lúa này chắc chắn sẽ bị suy giảm nghiêm trọng...” - ông Tùng đưa ra cảnh báo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần