Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Nông nghiệp sẽ cùng Hà Nội tập trung gỡ vướng quy hoạch phòng chống lũ

Trọng Tùng - Trần Long-Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại cuộc làm việc của Thành ủy Hà Nội và Ban cán sự Đảng Bộ NN&PTNT chiều 8/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chúc mừng kết quả khá toàn diện của ngành nông nghiệp Hà Nội trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, đề xuất với Hà Nội một số vấn đề cần tập trung triển khai trong giai đoạn tới.

Hà Nội cần tập trung cho “hai sứ mệnh”
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, TP Hà Nội đã nhìn ra vai trò quan trọng của tam nông. Theo đó, đã xây dựng, ban hành chương trình phát triển cụ thể số 02, chỉ sau chương trình xây dựng Đảng. Qua hai nhiệm kỳ phát triển, kiểm lại tất cả các nội dung lớn của Hà Nội đều vượt như thu nhập của người dân, tổng số xã đạt nông thôn mới, tỷ lệ giảm nghèo… Thành quả đó có được không thể không nhắc tới sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, ban ngành và sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy - UBND TP Hà Nội. Đây là tiền đề cho bước đột phá của tam nông Hà Nội trong giai đoạn tiếp theo. 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Hải.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, dưới tác động của dịch tả lợn châu Phi, Hà Nội đã tập trung khắc phục rất tích cực về thiên tai. Nếu không có sự chủ động thì kết quả vụ Xuân 2020 sẽ khó đạt được như vừa qua. Trong năm 2020, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp 4,8%, đây là quyết tâm rất cao của TP.
Giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị tam nông của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung phải tiếp tục hiện đại hoá. Tuy nhiên, cần nhìn nhận lại tiến trình phát triển hài hoà giữa đô thị và nông thôn, hướng tới không làm tổn hại quá lớn đến thiên nhiên. Định hướng là cần dành không gian nông thôn cho phát triển bền vững.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Hà Nội phải nỗ lực để hoàn thành hai sứ mệnh: Sứ mệnh cho mình (đáp ứng nhu yếu phẩm cho 10 triệu dân, ngon nhất, an toàn nhất) và sứ mệnh trung tâm (địa thế, nguồn nhân lực,…). Theo đó, Hà Nội phải trở thành trung tâm công nghệ nông nghiệp, trung tâm chế biến nông sản. Cần nhận dạng để định hướng phát triển đúng sứ mạng…
“Nông nghiệp Hà Nội phải có tính lan toả, đáp ứng nhu cầu không chỉ cho Hà Nội mà còn cả nước… Nông dân của Hà Nội phải là nông dân 4.0, thu hút được người tài vào tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp…” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Sớm gỡ vướng quy hoạch phòng chống lũ
Liên quan đến một số đề xuất của Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ phối hợp cùng TP tập trung thành lập tổ công tác để sớm tháo gỡ. Đặc biệt, trong đó có quy hoạch phòng chống lũ của hệ thống sông Hồng - Thái Bình.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau khi có Luật Quy hoạch, việc thực hiện Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng - Thái Bình, gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai. Thực tế, Quyết định trên có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong việc bảo vệ các tỉnh, TP vùng hạ du, đặc biệt là Hà Nội, mà còn đối với định hướng phát triển của Thủ đô.
Trên cơ sở nguyên tắc của quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ cùng TP Hà Nội tập trung rà soát để tiến tới chỉnh trang lại vùng bãi sông, làm sao để có thể quản trị tốt về mặt tổng thể, nhất là trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một phức tạp hiện nay; nhưng vẫn tận dụng được nguồn tài nguyên và bảo đảm an sinh xã hội.
“Thời gian tới, Bộ sẽ cử lực lượng khoa học chuyên môn cao nhất từ các viện trực thuộc, tập trung cùng với TP tổng rà soát những nét cơ bản nhất để tổ chức triển khai Quyết định số 257 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, những vấn đề bức xúc sẽ được ưu tiên đánh giá trước để xử lý riêng trên tinh thần là phải nhanh” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, lượng nước đổ về sông Hồng đã thay đổi. Lượng phù sa nuôi dưỡng đáy sông giảm, nhưng tình trạng khai thác cát lại rất lớn. Do đó, Hà Nội hiện gặp khó về lấy nước vụ Xuân, dù các hồ chứa thủy điện đã xả gấp đôi lượng nước. Do đó Bộ NN&PTNT và TP Hà Nội cần bàn kỹ về giải pháp ứng phó với điều kiện nguồn nước trong mùa khô. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với chống hạn, phát triển sản xuất nông nghiệp, mà còn có ý nghĩa đối với việc cấp nước sinh hoạt cho người dân Thủ đô.