KTĐT - 2h ngày 11/12/1992, ngày sinh của Đôrêmon ở Việt Nam, các đại lý đến trước vài tiếng. Người mua đông nghẹt! Chưa bao giờ giới phát hành lại được trọng thị như vậy. Sau này, hàng năm họ được mời dự tổng kết tại khách sạn sang trọng, kết hợp du lịch. Bởi vì ông Vu coi phát hành là khâu quyết định: “Sách có hay đến mấy mà không đến tay bạn đọc thì cũng không kết quả”.
Hàng triệu thiếu nhi cả nước, và tất cả những ai đã từng say mê Đôrêmon sẽ luôn nhớ đến ông, người đã mang chú mèo máy diệu kỳ này về Việt Nam. Nhờ ông, một “cánh cửa thần kỳ” đã mở ra cho thế giới tuổi thơ của chúng ta. Nhưng hôm nay, 16/10, không phải một “cỗ máy thời gian” mà là một cỗ xe tang u buồn sẽ đưa ông về cõi vĩnh hằng, nơi không ai có thể quay ngược thời gian như trong Đôrêmôn để trở lại.
Ông Nguyễn Thắng Vu sinh năm 1935, quê ở Quảng Thuận, Quảng Trạch, Quảng Bình. Ông làm việc tại NXB Kim Đồng từ năm 1965.
Quay ngược thời gian về những ngày đầu của Đôrêmon
Nhận nhiệm vụ giám đốc NXB Kim Đồng vào lúc rất khó khăn, kinh tế thị trường đang chuyển đổi, ông nhìn hàng chồng sách ế lòng rối như tơ vò. Đã có lúc NXB phải vay tiền cán bộ, nhân viên để trả tiền nhà in. Ông không bao giờ quên được lần anh Nguyễn Xà - nghệ sĩ khắc gỗ của NXB, anh có con thứ hai học giỏi, cháu được học bổng đi học nước ngoài. Không may, máy bay sang đến đất Thái thì bị tai nạn. Biết lúc đó trong két của cơ quan chẳng có mấy đồng, lại bị nhà in đòi thanh toán công in gắt. Anh Xà mang một cái bọc đưa cho anh Vu. Anh Vu hỏi: Cái gì thế anh? Anh Xà trả lời: Thấy cơ quan thiếu tiền quá. Có món tiền tuất của cháu chưa dùng, mang đến cho cơ quan vay”.
Anh Vu bất ngờ quá, nước mắt tự nhiên cứ tràn ra. Tất nhiên là anh Vu từ chối, nhưng anh cũng rất vui vì tấm lòng chân tình của người cộng sự, tin cậy chia ngọt sẻ bùi. Đoàn kết và chia sẻ là báu vật của NXB Kim Đồng chăng!
Nhiều báo đã viết về ông giám đốc Vu mở đột phá trong xuất bản, một sự kiện mà sau đó Bộ Văn hóa trong báo cáo tổng kết tại đại hội phát hành sách 1993 đánh giá là: Việc ra bộ sách của Nhà xuất bản Kim Đồng là sự kiện chấn động đối với việc lành mạnh hóa thị hiếu của các cháu, cả thanh niên và người lớn, là bộ sách giáo dục toàn diện và có tác dụng hoàn thiện nhân cách lứa tuổi nhỏ...
Đó là bộ truyện tranh Đôrêmon của tác giả họa sĩ F. Fujico. Nhưng chả mấy ai biết trước đó quyển sách được hy vọng nhất là Tốt-tô-chan, Cô bé ngồi bên của sổ của nhà văn Nhật Bản Tét-su-kô, sách này đã in 6 triệu bản, được nhiều nước xuất bản. Nhưng khi NXB Kim Đồng triển khai thì kết quả không được như ý.
Vì vậy làm quyển Đôrêmon là như trận đánh “được thì ăn cả, ngã thì mình .. từ chức”. Bao tâm sức của toàn bộ NXB dồn vào đây, “thuyền trưởng” Nguyễn Thắng Vu thì hầu như ngày chỉ ngủ có vài tiếng. Ông vận hết nội công, hết mối quan hệ để dồn cho chú mèo máy này: Chọn nhà in đang... ít việc , Kim Đồng góp vốn đầu tư nâng cấp thiết bị với một yêu cầu: In đúng hẹn, không để tình trạng tuồn sách từ nhà in ra thị trường. Rút ra từ những thất bại, và những kinh nghiệm trong nghề xuất bản, ông thấy cái khâu chả mấy ai mặn mà lại quan trọng vô cùng. Đó là khâu phát hành, là các đại lý bán sách mà người đời gọi là “đầu nậu” với giọng thiếu... thiện cảm.
Buổi họp giới thiệu bộ sách với giới phát hành thành phố không mấy ai quên được: Gửi 60 giấy mời cho các đại lý và những đầu mối lớn, nhỏ. Chỉ có... 6 người đến dự. Đang nửa chừng một chú nhỏ thay mặt gia đình và một anh bán vé số chợt nhớ giấy mời đến họp! Sau này 8 cộng tác viên đầu tiên được vinh danh là Bát trụ triều đình.
2h ngày 11/12/1992, ngày sinh của Đôrêmon ở Việt Nam, các đại lý đến trước vài tiếng. Người mua đông nghẹt! Chưa bao giờ giới phát hành lại được trọng thị như vậy. Sau này, hàng năm họ được mời dự tổng kết tại khách sạn sang trọng, kết hợp du lịch. Bởi vì ông Vu coi phát hành là khâu quyết định: “Sách có hay đến mấy mà không đến tay bạn đọc thì cũng không kết quả”.
Góp gió thành bão
Đôrêmon in đến tập thứ 11 thì bắt đầu giảm giá. Cứ in sau 10 cuốn tiếp theo lại giảm giá một lần, cho đến khi dừng lại ở giá 2.500 đồng. Đến tập 16 thì “Văn phòng Đôrêmon” ra đời, in ngay sau truyện cuối cùng mỗi cuốn sách. Có lẽ đây là cuốn truyện đầu tiên “tương tác” với người đọc. Bán rẻ cho các em, tuy lãi ít nhưng với đầu ra hàng chục vạn bản nên góp... gió thành bão, lãi của chú mèo máy giúp bù lỗ cho nhiều tác phẩm khác, và góp sức giữ giá sách thiếu nhi trong thời gian dài. Sau này Kim Đồng được đánh giá là đã mang món ăn tinh thần “ngon - bổ - rẻ” cho nhiều thế hệ bạn đọc.
Đó là những ngày cả NXB sôi động từ bác bảo vệ đến ông giám đốc. Đời sống anh chị em được cải thiện. Dù bận rộn hơn nhưng nét mặt ai cũng tươi roi rói. 2 năm, 2 tháng, 27 ngày là thời gian xuất bản bộ truyện tranh Đôrêmon đồng hành cùng các bạn chú: Nôbita, Xêkô, Xuka, Chaien đã làm say đắm hàng triệu độc giả từ trẻ em đến... người lớn. Bao nhiêu em bé nhận mình là nhân vật trong truyện, các em toàn nhận những nhân vật đáng yêu, và trong đêm có bao em đã mơ về chú mèo máy này. Đến bây giờ sách còn được tái bản và vẫn được nhiều bậc cha mẹ tìm mua.
Đến chuyện tác quyền chú mèo máy
NXB Kim Đồng nơi đầu tiên ký trả tiền bản quyền cho tác giả. Ông Vu rất khôn khéo đề nghị với bên đối tác: “Chúng tôi xin trả trọn gói 100 ngàn USD, tôi đề nghị cả hai nhà xuất bản ta, mỗi bên góp 100 ngàn USD thành lập Quỹ học bổng Đôrêmon cho các em học sinh nghèo ở Việt Nam”. Lời đề nghị thấu tình đạt lý đã được bên đối tác đồng ý.
Đã bao nhiêu em nhỏ hiếu học nhà nghèo trở thành trí thức qua Quỹ học bổng Đôrêmon này. Họa sĩ F.Fujico bất ngờ khi được nhà vua Nhật Bản mời đích danh dự tiệc hoàng cung trong buổi nhà vua tiếp đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười. Trong buổi tiếp long trọng này, đồng chí Đỗ Mười bắt tay nói với F.Fujico rằng: “Tác phẩm của ngài rất được trẻ em nước chúng tôi mến mộ”. F. Fujico sang thăm Việt Nam ông được chào đón như người nhà, được hàng ngàn em nhỏ vây quanh mà tự hỏi hay là nhờ bảo bối của Đôrêmon mang lại niềm vui này. Khi họa sĩ F.Fujico qua đời, ông Nguyễn Thắng Vu đã đến viếng đám tang.
“Bích câu kỳ ngộ” bây giờ lẻ Bóng
Ông Vu có hai người con gái đều thành đạt. Các cháu trong họ hàng được ông cưu mang từ những ngày gian khó nhất cũng đã phương trưởng. Và người thân yêu nhất của ông, cô sinh viên y khoa năm nào thực tập đã hết lòng chăm sóc anh cán bộ biên tập bị mổ dạ dày ở bệnh viện phố Bích Câu, rồi họ nên vợ nên chồng, anh em NXB trêu ông là “Bích câu kỳ ngộ” bây giờ lẻ bóng trong ngôi nhà rộng rãi này...
Trước khi phát hiện bệnh hiểm nghèo, ông bàn giao chức Chủ tịch Quỹ học bổng Đôrêmon mà ông phụ trách 14 năm, và gửi thêm vào quỹ 1 tỷ đồng tiền của riêng ông: “Để cho nhiều em học giỏi nhà nghèo được học hành tử tế!”.
Nhận phụng dưỡng 100 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mà không bao giờ chuyển chậm kinh phí đến các mẹ là những gì tốt đẹp mà ông cùng NXB lặng lẽ làm... Ông ra đi một sớm Thu, sau đại lễ cả nước tưng bừng kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, để lại bao luyến tiếc tự đáy lòng của bạn bè người thân.
Ông Nguyễn Thắng Vu từ trần hồi 3h20 ngày 14/10 tại nhà riêng số 35 Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, hưởng thọ 76 tuổi.
Lễ viếng bắt đầu từ 10h sáng 16/10 tại nhà tang lễ Bộ quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu bắt đầu lúc 11h30 cùng ngày. An táng tại nghĩa trang công viên Vĩnh Hằng, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nôi.