Bỏ phố về làng trồng sa kê

Chia sẻ Zalo

Tốt nghiệp ngành Tin học Quản lý, trường ĐH Kinh tế TP. HCM, Phạm Minh Vương quyết định đi Bến Tre...

Tốt nghiệp ngành Tin học Quản lý, trường ĐH Kinh tế TP. HCM, Phạm Minh Vương quyết định đi Bến Tre để thuyết phục lão nông Phạm Tấn Hiền – người có 10 năm trồng, nhân giống và thử nghiệm chế biến các sản phẩm từ sa kê – cho tham gia dự án. Trở về quê (Ninh Hòa, Khánh Hòa), anh thuyết phục cha mẹ mua đất, trồng 4 ha sa kê …

“Tầm sư học đạo”

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2006, Minh Vương từng làm rất nhiều nghề, như: Bán hàng tiêu dùng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, môi giới bất động sản, nhân viên công ty thiết kế hệ thống quán xá… Nhận thấy tiềm năng trong ngành nông nghiệp và mong muốn làm một điều gì đó giúp quê hương Ninh Hòa, anh đã tìm hiểu dự án trồng và chế biến sa kê.

Minh Vương chia sẻ: “Với cây sa kê, mình không kỳ vọng mang lại lợi nhuận “khủng” nhưng tin rằng, khi thử nghiệm thành công, nó là cây trồng mới phù hợp chuyển giao cho người nông dân quê mình”.

 
Minh Vương (trái) bên cạnh lão nông Phạm Tấn Hiền – hai thành viên trong dự án trồng và chế biến sản phẩm từ sa kê.
Minh Vương (trái) bên cạnh lão nông Phạm Tấn Hiền – hai thành viên trong dự án trồng và chế biến sản phẩm từ sa kê.
Để theo đuổi dự án, anh đã phải cất công tìm hiểu rất kỹ. Thông qua báo chí, Minh Vương biết, cây sa kê là một giống cây hữu ích, ít người trồng, trái ngon hơn khoai tây và lá có thể dùng làm thuốc.

Các thông tin khoa học về cây sa kê bằng tiếng Việt không nhiều nên anh tham khảo thông tin trên các trang nước ngoài, nhất là trang của Viện Nghiên cứu sa kê toàn cầu. “Tầm sư học đạo” được với lão nông Phạm Tấn Hiền, anh đã tự tin theo đuổi dự án.

Giống như lão nông Phạm Tấn Hiền từng bị nhiều người xung quanh cho là “kẻ điên khùng” khi theo đuổi cây sa kê, khi Minh Vương về quê Ninh Hòa thuyết phục hỗ trợ dự án, cha mẹ anh cũng phản đối. Minh Vương phải mất vài tuần thuyết phục, cha mẹ anh mới xiêu lòng.

Minh Vương mang cây giống sa kê từ Bến Tre về Ninh Hòa trồng trên 4 ha đất mua được. Anh cho biết: “Cây sa kê trồng chơi thì dễ nhưng trồng tập trung, với số lượng lớn thì không đơn giản, phải xử lý những vấn đề phát sinh, như: Sâu hại, nguồn nước tưới… Việc chọn giống cũng rất quan trọng, vì có thể nhầm giữa cây sa kê với cây mít nài.

Hơn nữa, vùng Ninh Hòa quê mình nắng hạn. Khi trồng thử nghiệm, cây bị chết một phần, phải trồng dặm lại. Hiện tại, 4 ha sa kê của mình đã mọc cao khoảng 2 m”.

Tạo bước ngoặt cho quê nhà

Dự án trồng sa kê của nhóm Vương hiện tại có 3 thành viên. Cùng với lão nông Phạm Tấn Hiền và Vương, còn có một thành viên khác ở phía Bắc. Các thành viên gặp nhau vài lần trong năm để bàn bạc hướng đi của dự án.

Không chỉ sản xuất trái tươi, bán cho thị trường, dự án còn nghiên cứu cung cấp các sản phẩm của cây sa kê, như: Bột sa kê, lá sa kê, rượu sa kê , sa kê chiên… Nhóm có kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu, thu hút vốn và kết hợp với các nhà đầu tư là công ty, xí nghiệp để sản xuất các mặt hàng liên quan tới loại cây trồng này.

Vương kỳ vọng, thử nghiệm thành công sẽ tạo bước ngoặt trong việc thay đổi giống cây canh tác cho bà con nông dân quê nhà.

Anh chia sẻ: “Quê mình đất đai cằn cỗi, bà con chủ yếu trồng sắn và mía. Nếu thành công, mình sẽ chuyển giao mô hình cho bà con. Hiện dự án trồng trong phạm vi thử nghiệm. Nếu trồng đại trà một giống cây lâu năm mà không suy tính, hậu quả sẽ rất lớn. Mình vui là nhiều người đã thấy tiềm năng của dự án. Nhưng nhóm luôn đưa ra những điều kiện cam kết chặt chẽ. Khi mình bắt đầu, có người sẵn sàng cung cấp đất ở tỉnh Bình Phước để hợp tác nhưng mình không đồng ý. Đây là dự án hướng về giải pháp tương lai cho nông dân quê hương Ninh Hòa.

Trong thời gian mình về quê, công ty cũ gọi mình về làm với chức vụ cao hơn nhưng mình đã đam mê và quyết tâm theo dự án tâm huyết mang tên sa kê rồi”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần