Trong kỳ tuyển sinh năm 2024, khối trường quân đội có 4 phương thức xét tuyển: Phương thức 1, là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển với học sinh giỏi bậc THPT, không quá 15% chỉ tiêu. Phương thức 2, là xét tuyển dựa vào học bạ, không quá 10% chỉ tiêu, riêng Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật quân sự chưa sử dụng phương thức này.
Phương thức 3, xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực do các trường đại học trong nước tổ chức, không quá 20% chỉ tiêu. Phương thức 4, là xét tuyển dựa vào kết quả kì thi tốt nghiệp THPT.
Theo quy định, để xét tuyển vào các trường quân đội, thí sinh nộp hồ sơ sơ tuyển, được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo nhóm trường.
Nhóm 1 gồm các học viện: Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không - Không quân (hệ chỉ huy tham mưu) và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh. Nhóm 2 gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự.
Thời gian, phương pháp điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Quốc phòng ban hành năm 2024.
Thí sinh lưu ý phải đăng ký nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào trường nộp hồ sơ sơ tuyển hoặc nhóm trường thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (nguyện vọng 1) theo đúng tổ hợp xét tuyển của trường.
Ban tuyển sinh quân sự - Bộ Quốc phòng cũng cho biết, từ năm 2025, Bộ Quốc phòng tổ chức kỳ thi đánh giá riêng để sử dụng kết quả tuyển sinh cho các trường quân đội. Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng, sẽ phối hợp ĐH Quốc gia Hà Nội để tổ chức kỳ thi riêng này. Chỉ tiêu dành cho kỳ thi tuyển sinh riêng dự kiến tối đa 30% tổng chỉ tiêu.
Cùng với đó, Cục Nhà trường đang xây dựng đề án báo cáo cấp trên cho phép đào tạo hệ dân sự trong trường quân sự.