Thấu hiểu bản thân để chọn ngành phù hợp
Kinhtedothi – Không ít học sinh lớp 12 vẫn băn khoăn khi chọn ngành, chọn trường hoặc lo lắng không biết ngành mình chọn có bị lạc hậu trong vài năm tới hay không. Các chuyên gia đã gợi mở để học sinh tự đưa ra câu trả lời và có niềm tin vào chính mình.
Học để làm gì?
Là chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh và đào tạo, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội rất thấu hiểu tâm tư của học sinh, phụ huynh trong giai đoạn lựa chọn nghề nghiệp.
Theo TS Đồng Văn Ngọc, trước khi quyết định chọn ngành học, các em học sinh hãy trả lời câu hỏi “Học để làm gì?”. Nếu các em muốn học để làm bác sỹ thì chọn ngành y; muốn học để làm cô giáo thì chọn ngành sư phạm; muốn học để làm kế toán thì chọn ngành kế toán tài chính; muốn học để làm nhà báo thì chọn ngành báo chí tuyên truyền… Trả lời câu hỏi này, các em đã có được định hướng và gợi mở bước đầu về ngành nghề mình mong muốn.

TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội: "Để chọn ngành, đầu tiên học sinh cần trả lời câu hỏi: Học để làm gì?".
Các em lưu ý, nên chọn ngành trước khi chọn trường. Chúng ta không nên chọn trường trước, chọn ngành sau vì nếu chọn đúng trường nhưng sai ngành, chúng ta cũng không thể đạt được mục đích của mình.
TS Ngọc cho hay, sau câu hỏi trên, học sinh tiếp tục trả lời câu hỏi về năng lực, sở trường, sở đoản của bản thân là gì. Giả sử, người có sở đoản là nói ngọng thì không nên chọn nghề nhà giáo; người sợ độ cao thì không nên chọn nghề phi công. Cả phụ huynh và học sinh đều cần nhận thức nghiêm túc về việc này để tránh tình trạng chọn ngành không phát huy được năng lực.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa chia sẻ: trong thời đại công nghệ hiện nay, các em học sinh không nên chọn ngành, chọn nghề đi ngược lại xu hướng nhưng cũng đừng băn khoăn, sợ công nghệ làm mình mất cơ hội việc làm bởi công nghệ có vai trò hỗ trợ rất lớn và mang đến những cơ hội việc làm mới cho con người.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa nêu quan điểm, trong giai đoạn hiện nay, nhờ công nghệ nên công tác đào tạo của các nhà trường có tính liên ngành rất lớn. Một người thích du lịch có thể học thêm ngành ngôn ngữ; thích ngành sức khỏe có thể học ngành quản lý bệnh viện, chẩn đoán hình ảnh; thích ngành kinh tế có thể học kinh doanh quốc tế, khoa học dữ liệu…
“Thí sinh nên nhớ: 85% thành công của con người là phụ thuộc vào thái độ và kỹ năng, chỉ khoảng 15% phụ thuộc vào chuyên môn. Nếu chọn ngành chưa đúng nhưng có thái độ tốt, kỹ năng tốt sẽ thích nghi rất nhanh. Năng lực học tập quan trọng nhưng thái độ, hành vi, kỹ năng, đạo đức mới là thứ dễ dàng tạo dấu ấn, ghi điểm với nhà tuyển dụng.
Một ứng viên, kể cả có tốt nghiệp các trường đại học tốp đầu Việt Nam, thậm chí tốp đầu thế giới mà ngay từ vòng phỏng vấn đã thể hiện thái độ không tốt, không tôn trọng người khác thì đơn vị tuyển dụng chắc chắn sẽ không nhận”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh dẫn chứng và chia sẻ.
Còn PGS.TS Vũ Thị Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, dù lựa chọn ngành học nào, thí sinh và phụ huynh cũng nên tập trung xem xét 4 yếu tố, đó là: năng lực của thí sinh; nhu cầu nhân lực của ngành; sở thích, đam mê của thí sinh và năng lực tài chính của gia đình. Về vấn đề tài chính, hiện Bộ GD&ĐT và các nhà trường có nhiều chương trình học bổng, hỗ trợ học phí nên theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, kể cả trường hợp điều kiện kinh tế khó khăn nhưng nếu có mong muốn, có ước mơ thì các em cũng nên mạnh dạn theo đuổi.
Vai trò đồng hành của phụ huynh
Liên quan đến lựa chọn nghề nghiệp, TS Đồng Văn Ngọc cho rằng, nhiều câu chuyện thực tế cho thấy, không ít cha mẹ gây tâm lý căng thẳng, nặng nề cho con cái bằng việc áp đặt cho con phải thực hiện mong muốn của gia đình và dòng họ.
“Ai cũng mong con cái phải giỏi toàn diện, từ toán, lý, hóa đến tiếng Anh, văn, sử, địa… nhưng phụ huynh cần biết, mỗi người có năng lực, sở trường nhất định và con cái chúng ta cũng vậy, không ai có thể giỏi hết tất cả các môn. Cha mẹ hãy thực sự là người bạn đồng hành cùng con trên bước đường chọn ngành; cần hiểu con và phân tích cho con về sở trường, sở đoản để con có lựa chọn nghề phù hợp, đúng đắn. Nếu con thực sự học văn hóa không tốt, không muốn học đại học mà chỉ muốn đi học một ngành nghề gì đó đơn giản thì cha mẹ cũng nên tôn trọng và ủng hộ con. Hoặc trong trường hợp, con đã cố gắng nhưng không trúng tuyển đúng nguyện vọng, phụ huynh hãy thấu hiểu, chia sẻ và thông cảm cho con”, TS Đồng Văn Ngọc nói.

Học sinh cần hiểu và có niềm tin vào bản thân.
Học sinh lớp 12 năm nay, ngoài việc đứng trước các kỳ thi quan trọng, trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn trường, các em còn đối diện với những thay đổi trong cách tổ chức kỳ thi tốt nghiệp và phương thức xét tuyển. Hiểu lo lắng của các em, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, những thay đổi sắp tời nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các em trong việc xây dựng môi trường công bằng, minh bạch và thuận lợi hơn trong quá trình dự thi, xét tuyển.
Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và toàn cầu hóa, thế hệ trẻ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn linh hoạt, sáng tạo và có khả năng thích ứng với sự biến động không ngừng.
Thứ trưởng khuyên thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên đam mê, năng lực của bản thân và nhu cầu thực tiễn của xã hội trong tương lai. Hãy chủ động trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết như ngoại ngữ, kỹ năng số, tư duy phản biện và tinh thần học tập suốt đời để không ngừng tiến bộ.
Trong hành trình trưởng thành, vai trò của gia đình là không thể thay thế. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT mong rằng, học sinh cần đồng hành, lắng nghe định hướng của cha mẹ để đưa ra quyết định phù hợp. Khi đồng hành cùng con, phụ huynh đừng đặt mong muốn cá nhân lên các con mà cùng các con khám phá sở thích, thế mạnh và hỗ trợ các con để lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và hoài bão của mình.

Tuyển sinh đại học 2025: thí sinh có mặn mà với tổ hợp xét tuyển mới?
Kinhtedoth- Năm 2025, nhằm đón lứa sinh viên đầu tiên học và thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhiều trường đại học bổ sung thêm một số tổ hợp xét tuyển mới để vừa tạo điều kiện cho thí sinh vừa tuyển được sinh viên có năng lực phù hợp với ngành học.

Quy đổi về thang điểm chung trong xét tuyển đại học: chưa hết băn khoăn
Kinhtedothi – Một điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025 là các trường đại học buộc phải quy đổi tương đương các phương thức và tổ hợp xét tuyển về một thang điểm chung. Dư luận và thí sinh vẫn chưa hết băn khoăn về quy định này.

Thí sinh bị tật khúc xạ, có được dự tuyển vào các trường quân đội?
Kinhtedothi – Không ít thí sinh bị tật khúc xạ vẫn nuôi hy vọng trở thành sinh viên các trường khối ngành quân đội. Theo Đại tá Đỗ Thành Tâm, Thư ký Ban tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng), thí sinh bị tật khúc xạ hoàn toàn có cơ hội thi tuyển vào trường quân đội.