Giá xăng trong kỳ điều chỉnh vừa qua đã giảm gần 600 đồng/lít |
Nếu để thực hiện mục tiêu bảo vệ lợi ích người tiêu dùng thì phải dùng nguồn khác lập quỹ, chẳng hạn như trích lại một phần lợi nhuận. Các DN xăng dầu khác nhau sẽ sở hữu lượng quỹ bình ổn giá khác nhau, nghịch lý là có khi trích quỹ cả năm nhưng chỉ xả một vài kỳ điều hành đã âm quỹ, điều đó cho thấy cơ quan điều hành giá đang lạm dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu. Điều này được nhiều chuyên gia kinh tế chỉ rõ là nguyên nhân làm nhiễu loạn thị trường, thiệt cho người tiêu dùng. Cùng với đó, một trong những vấn đề liên quan tới Quỹ Bình ổn xăng dầu còn ở tính minh bạch thông tin.
Hiện nay, đa phần người dân không biết việc điều hành quỹ này như thế nào, cơ chế ra sao. Chưa kể không loại trừ trường hợp, các doanh nghiệp có thể “lợi dụng” quỹ để hưởng lợi. Thực tế người tiêu dùng gần như không được hưởng lợi mà còn phải ứng trước tiền cho quỹ này bởi bản chất của quỹ chỉ là "kìm" việc tăng giá trong một thời gian nhất định, sau đó giá sớm muộn cũng sẽ được điều chỉnh.
Trong khi đó, nhiều DN kinh doanh ngành hàng này đã lên tiếng, với Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu, DN phải gửi vào một tài khoản ngân hàng cố định, lãi thì nhập vào gốc và DN không được động vào số tiền đó. Nhưng khi quỹ bị âm thì phải vay ngân hàng hoặc bù bằng vốn tự có. Lãi suất vay nhẹ nhất cũng khoảng 7- 8%/năm. Đó là bất hợp lý. Bên cạnh đó việc sử dụng quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.
Chính vì thế, việc bỏ Quỹ Bình ổn xăng, dầu sẽ giúp tính minh bạch công khai trong việc điều hành giá tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các DN kinh doanh, giảm gánh nặng với người tiêu dùng. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng thì cần phải chấp nhận cuộc chơi theo cơ chế thị trường, giá cả mặt hàng xăng, dầu cũng theo đó để điều chỉnh.