Bỏ quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau khi nhận được nhiều ý kiến góp ý về Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đề xuất bỏ quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Theo để xuất của Bộ Xây dựng về 2 phương án về sở hữu nhà chung cư, gồm: Có thời hạn và không quy định thời hạn, Chính phủ đã quyết định lựa chọn phương án có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của Nhân dân.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Nội dung trọng tâm chính là vấn đề sở hữu nhà nhà chung cư có thời hạn.

Đề xuất bỏ quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư trong Luật Nhà ở sửa đổi.
Đề xuất bỏ quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư trong Luật Nhà ở sửa đổi.

Bộ Xây dựng nhận thấy đây là vấn đề nhạy cảm, tác động lớn đến xã hội và còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, đồng thuận, nhất là với phương án có quy định về sở hữu chung cư có thời hạn. Do vậy, cơ quan này đề nghị Chính phủ cho phép tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tuy nhiên, cần bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ có tính khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời người dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn cho việc sử dụng để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân.

Trường hợp Chính phủ thấy cần thiết tiếp tục trình Quốc hội phương án khác với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đề nghị xây dựng 2 phương án, bao gồm phương án của Chính phủ đề xuất và phương án theo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất của cơ quan thẩm tra để đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Đồng thời, trong tờ trình của Chính phủ cần phân tích, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, phân tích ưu điểm, hạn chế, hoàn thiện quy định của từng phương án, làm cơ sở để đại biểu Quốc hội thảo luận dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể để lựa chọn được phương án tốt nhất, khả thi nhất, khắc phục được bất cập, vướng mắc của Luật Nhà ở hiện hành, đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của người dân trong xã hội, phục vụ hiệu quả quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo PGS. TS Doãn Hồng Nhung – Đại học Quốc gia Hà Nội, với những đóng góp của về mặt lý luận cũng như thực tiễn, pháp luật về niên hạn nhà chung cư, vấn đề sở hữu vĩnh viễn chung cư và sở hữu có thời hạn 50 năm theo thời hạn giao đất trong quản lý nhà chung cư ở Việt Nam ngày càng được chú trọng hoàn thiện và đạt hiệu quả hơn nữa đảm bảo cho người dân nhà chung cư có một cuộc sống an toàn, thoải mái và phát triển đô thị Việt Nam văn minh, hiện đại xứng tầm thế giới.

“Việc quy định về sử dụng nhà chung cư ở Việt Nam phải phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong quá trình khai thác, sử dụng nhà chung cư. Đặc biệt là trong thời đại xây dựng các thành phố thông minh, hiện đại, chung cư xanh, công trình xanh, thân thiện với môi trường sẽ cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khi sống trong các chung cư tại đô thị của Việt Nam sẽ đẹp dần lên trong mắt bạn bè khu vực, quốc tế” – PGS. TS Doãn Hồng Nhung nói.