Theo số liệu thống kê, tính tới thời điểm hiện tại đang có khoảng hơn 75% dân số Việt Nam, tương đương với 76 triệu người sử dụng mạng xã hội. Chỉ riêng giai đoạn từ 2020 - 2021, số lượng người sử dụng các dịch vụ xuyên biên giới này đã thêm tới 7 triệu, mức tăng trưởng thuộc nhóm đầu thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội cũng đã tạo ra nhiều hệ luỵ. Từ những hành vi thiếu chuẩn mực trong đăng tải thông tin, tung tin giả, tin xấu độc cho đến mất an toàn thông tin đang là vấn nạn gây ra hậu quả tiêu cực cho người dùng.
Đứng trước thực trạng trên, mới đây Bộ TT&TT đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (Bộ Quy tắc). Đây được xem là hành động kịp thời nhằm hướng dẫn người dùng những chuẩn mực đạo đức, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, qua đó góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.
Cụ thể, Bộ Quy tắc có phạm vi áp dụng là toàn bộ các đối tượng đang sử dụng mạng xã hội như cá nhân, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước cho đến nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Theo đó, cá nhân và tổ chức được khuyến nghị sử dụng họ, tên thật, tên hiệu thật để đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ nhằm xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.
Bộ Quy tắc đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề chia sẻ thông tin. Các tổ chức, cá nhân chỉ nên chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Các hành vi như dùng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục cũng được khuyến nghị không nên sử dụng.
Đặc biệt, hành vi tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội cũng được liệt vào dạng cấm sử dụng trên môi trường mạng.
Bộ Quy tắc cũng có những khuyến nghị dành riêng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước. Theo đó, ngoài tuân thủ các quy tắc cho cá nhân, tổ chức nêu trên thì còn phải thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước cũng cần thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ mạng cũng cần phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định. Có thể kể đến như công bố rõ ràng các điều khoản sử dụng dịch vụ, bao gồm các quyền và nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng. Chủ động phát hiện, thông báo và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn, loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật.
Đáng chú ý, Bộ Quy tắc còn yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của "người yếu thế" trong xã hội. Có biện pháp để bảo đảm sự an toàn và phát triển lành mạnh của trẻ em, trẻ vị thành niên trên môi trường mạng.
Quyết định vẫn ở người dùngĐánh giá về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, chuyên gia truyền thông Nguyễn Thành Đoàn cho rằng, đây là hành động rất cần thiết bởi bên cạnh những quy định “cứng” của pháp luật thì cũng cần có những khuyến nghị “mềm” như vậy để người dùng mạng xã hội ý thức rõ ràng hơn về trách nhiệm của mình khi online.
Với những khuyến nghị rõ ràng trong Bộ Quy tắc, người sử dụng mạng xã hội có thể phân biệt được đâu là hành vi có thể vi phạm pháp luật mà thậm chí trước đây họ không thể ngờ đến. Ví dụ như hành vi lăng mạ người khác vốn rất phổ biến trên mạng xã hội có thể dẫn tới bị kiện vì xúc phạm nhân phẩm người khác.
Bên cạnh Bộ Quy tắc, chúng ta cũng có những văn bản pháp luật đi kèm như Luật An ninh mạng, Luật Dân sự… nhưng để thực sự khiến môi trường mạng tốt đẹp hơn thì yếu tố chính vẫn nằm ở người sử dụng. Chỉ khi mỗi người dùng chủ động nâng cao nhận thức của mình khi tham gia mạng ảo thì lúc đó chúng ta mới có một môi trường mạng xã hội lành mạnh và an toàn, ông Nguyễn Thành Đoàn chia sẻ.
Còn Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS Nguyễn Quang Đồng thì cho rằng, đáng nhẽ Bộ Quy tắc này phải được ra đời sớm hơn nhưng đây vẫn là nỗ lực rất lớn từ phía cơ quan quản lý nhà nước nhằm khuyến khích người dùng cư xử văn minh và có trách nhiệm hơn trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, Bộ Quy tắc chỉ mang tính hướng dẫn người dùng về những hành vi cần tránh để không vi phạm pháp luật chứ không bắt buộc phải thực thi. Do đó các tổ chức, DN có thể tham khảo Bộ Quy tắc này nhằm xây dựng Bộ Quy tắc phù hợp với mình từ đó có thể áp dụng triệt để hơn, ông Nguyễn Quang Đồng khuyến nghị.
Bộ Quy tắc có phần khuyến nghị cơ quan nhà nước nên có phản hồi ý kiến trên mạng xã hội liên quan tới đơn vị mình, đây là quy tắc được đánh giá cao. Điều này sẽ đặc biệt hữu ích trong trường hợp chính sách của Nhà nước bị dư luận lên tiếng do chưa hiểu rõ vì thiếu thông tin, phản hồi sẽ giúp giải tỏa tình trạng này.Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng |
Bảo đảm hành xử văn minhThời đại số đã trao cho mỗi người tham gia vào mạng xã hội quyền được phát thông tin bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào. Các thông tin này đến từ mọi tầng lớp xã hội nên hình thức và nội dung rất đa dạng, điều này thu hút sự chú ý của công chúng. Yếu tố này là yếu tố hút. Quảng bá thông tin có thể mang lại nhiều lợi ích như kinh tế, sự ảnh hưởng, sự tưởng thưởng với cá nhân người phát thông tin, có thể nói đây là yếu tố đẩy, làm cho người phát thông tin chủ động tìm cách đáp ứng nhu cầu của người nhận thông tin. Cả hai yếu tố này kết hợp tạo ra những sự tương tác với số lượng khổng lồ trên không gian mạng xã hội. Tốt có, xấu có.Việc giao tế trong xã hội đã chuyển từ không gian vật lý lên không gian mạng. Hai thế giới này có liên hệ với nhau như hai mặt không tách rời của một đồng xu, chính vì thế các nguyên tắc hành xử văn minh nơi công cộng, trong giao tiếp ngoài đời thực cũng phải được áp dụng trên không gian mạng. Nhiều tổ chức đã có quy định về phát ngôn trên không gian mạng, nhiều công ty, tổ chức cũng phải tự soạn thảo quy tắc hành xử, ứng xử trên không gian mạng. Chính vì vậy, Bộ TT&TT vừa ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để đảm bảo hành xử văn minh, phòng chống gian lận và tội phạm trên mạng.Đồng sáng lập Elite PR School Nguyễn Đình Thành |
Công cụ soi chiếu tốt, xấu trên mạng xã hộiBất thường, lệch chuẩn, thậm chí là phản khoa học và vô lý hết sức trên không gian mạng lại thu thút được đông đảo lượng người theo dõi. Điều này có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng tiếp cận từ góc độ văn hóa, chúng ta có thể thấy sự thiếu định hướng trong lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên trong xã hội. Các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là mạng xã hội đã biến đổi thế giới của chúng ta theo một cách khá kỳ lạ, ở đó có sự tự do một cách tương đối của cá nhân, nhất là trong cách thể hiện lối sống, suy nghĩ, phát ngôn, và cả trong cách kiếm tiền. Trong khi một số những giá trị mới, mẫu hình lý tưởng mới trong xã hội đang cần thời gian để định hình, đã có quá nhiều lối sống, hình ảnh hào nhoáng, lạ, hấp dẫn giới trẻ. Sự thiếu định hướng lối sống đã khiến giới trẻ lạc lối trong việc tìm kiếm mục tiêu đúng đắn của cuộc đời mình, sa vào những thứ tạm thời, ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành nhân cách của chính họ. Đây chính là một lý do quan trọng dẫn đến những hiện tượng tiêu cực như chúng ta đang thấy.Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT&TT sẽ là công cụ, thước đo giúp dư luận xã hội soi chiếu ủng hộ cái tốt, lên án cái xấu, có thêm những bài học làm gương từ những người nổi tiếng, văn nghệ sĩ sẽ giúp định hướng cách sử dụng mạng xã hội cũng như lối sống cho giới trẻ. Để giải quyết vấn đề này, tất nhiên là cần giải pháp đồng bộ, nhưng chúng ta có thể xuất phát từ chính văn hóa. Và Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là cách hạn chế những bất thường, những lệch chuẩn trên môi trường mạng ở góc độ ứng xử văn hóa.Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - PGS.TS Bùi Hoài Sơn |