“Bộ sậu” kinh doanh sàn vàng ảo HGI lĩnh án

Bài, ảnh: Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 ngày đưa ra xét xử, ngày 26/8, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Hà Nội đã tuyên án vụ kinh doanh vàng trái phép xảy ra tại Công ty CP đầu tư tài chính Hà Nội vàng (gọi tắt là Công ty HGI có trụ sở tại Ngọc Khánh, quận Ba Đình).

7 bị cáo phải hầu tòa về tội “Kinh doanh trái phép” gồm: Nguyễn Đức Chung (Sinh năm 1975, người sáng lập HGI), Phùng Quốc Huy (Sinh năm 1985, cựu Tổng Giám đốc), Nguyễn Thị Phương Thảo (Sinh năm 1976, Chủ tịch HĐQT), Phan Thị Mỹ Linh (Sinh năm 1982, Giám đốc Chi nhánh HGI tại Đà Nẵng), Đặng Thị Kim Dung (Sinh năm 1977), Trần Việt Hưng (Sinh năm 1978) và Vương Quốc Dân (Sinh năm 1981).

Theo cáo trạng truy tố, Công ty HGI được thành lập từ năm 2009 và chủ yếu kinh doanh vàng qua tài khoản bằng hình thức mở, sử dụng phần mềm giao dịch MT4. Khi tham gia, nhà đầu tư liên hệ trực tiếp với công ty để nộp tiền hoặc chuyển tiền vào tài khoản. Trên sàn vàng HGI có 3 gói sản phẩm hàng hóa với số tiền nộp tối thiểu là 50 USD và cao nhất là 1.000 USD. Nhà đầu tư có thể giao dịch mua bán vàng, bạc, dầu và 8 cặp tiền tệ chính có mức thanh khoản lớn.
Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa
Đến khoảng giữa năm 2010, Ngân hàng Nhà nước ra Thông tư số 17 cấm loại hình kinh doanh vàng ảo. Tuy nhiên, Công ty HGI vẫn tiếp tục hoạt động và thậm chí còn mở thêm 2 chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đầu năm 2015, PC50 phối hợp với PC45 và C50 - Bộ Công an tổ chức đấu tranh khám phá hoạt động kinh doanh sàn vàng ảo đối với Công ty HGI.

Cơ quan điều tra xác định, tổng số tài khoản mở trên phần mềm MT4 từ tháng 10/2013 - 1/2015 là 2.745 tài khoản (trong đó có 1.056 tài khoản giao dịch vàng tài khoản online bằng tiền VND; 604 tài khoản giao dịch bằng tiền USD). Tổng số lệnh giao dịch vàng tài khoản là 60.653 lệnh. Bằng thủ đoạn này, các bị cáo đã thu lời bất chính từ hoạt động kinh doanh vàng trái phép là hơn 10,7 tỷ đồng. Khi bị bắt, bị cáo Chung và Hưng khai nhận, đã sử dụng toàn bộ số tiền trên để trả chi phí thuê trụ sở, trả lương, mua bất động sản tại tỉnh Kiên Giang.

Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng xác định, Công ty HGI còn thực hiện hoạt động ủy thác đầu tư. Theo đó, tại bảng kê có 482 khách hàng gửi tiền ủy thác đầu tư tại HGI. Tổng số tiền công ty thu được là hơn 169 tỷ đồng. Công ty đã trả hơn 26 tỷ đồng, số tiền còn lại là hơn 142 tỷ đồng. Hiện tại, mới có 107 khách hàng có đơn trình báo về việc bị chiếm đoạt số tiền hơn 72 tỷ đồng.

Đối với số khách hàng gửi tiền ủy thác đầu tư, Cơ quan điều tra kết luận, việc ký kết hợp đồng là tự nguyện hoặc bị lừa dối, ép buộc. Quá trình điều tra cũng cho thấy, Công ty HGI không dùng tiền gửi của khách hàng sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp nên chưa đủ căn cứ cấu thành tội phạm hình sự. Do đó, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đã tách phần tài liệu liên quan để tiếp tục điều tra, xử lý sau.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung 22 tháng tù, Trần Việt Hưng 19 tháng 13 ngày tù, Đặng Thị Kim Dung 16 tháng tù, Vương Quốc Dân và Phùng Quốc Huy cùng lĩnh 15 tháng tù treo, Nguyễn Thị Phương Thảo và Phan Thị Mỹ Linh đều bị tuyên phạt 12 tháng tù treo về cùng tội “Kinh doanh trái phép”. Riêng bị cáo Hưng do có mức án bằng với thời gian tạm giam nên được trả tự do ngay tại tòa.