Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1/7/2021: Lợi cho dân, tiện cho quản lý

Đạt Lê - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công an vừa ra văn bản giới thiệu một số nội dung cơ bản và điểm mới của Luật Cư trú năm 2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021. Theo đó, Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng, hoàn thiện vào tháng 7 tới đây sẽ giúp các cơ quan giải quyết nhiều loại thủ tục không cần sổ hộ khẩu giấy. Việc thực hiện phương thức quản lý mới này sẽ tạo nhiều thuận lợi đối với người dân và cơ quan Nhà nước.

Bỏ sổ hộ khẩu giấy sẽ tạo điều kiện cho người dân và sự quản lý nhà nước. Ảnh: Thanh Hải
Sử dụng mã số định danh cá nhân
Theo Bộ Công an, Luật Cư trú năm 2020 cơ bản kế thừa quy định của luật hiện hành, đồng thời sửa đổi, bãi bỏ, làm rõ hơn các quy định trước đây nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân. Cùng với đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú mà trọng tâm là xây dựng, quản lý cư trú qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Khác với luật hiện hành, Luật Cư trú năm 2020 quy định thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Lực lượng cảnh sát quản lý cư trú sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Do đó, việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện TTHC hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo căn cước công dân (CCCD) hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.

Thiếu tướng Tô Văn Huệ - Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho hay, Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã cơ bản hoàn thiện giai đoạn đầu của việc đầu tư hạ tầng, lắp đặt hệ thống trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ từ T.Ư tới địa phương; đồng thời, thu thập thông tin cư dân với trên 95% dân số. Dự án bước đầu thí điểm chia sẻ, kết nối từ Trung tâm của Bộ Công an với các địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hưng Yên, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Đà Nẵng và một số bộ, ngành, để phục vụ làm TTHC… Ở giai đoạn hai, dự án sẽ tiếp tục thu thập, hoàn thiện dữ liệu dân cư; kết nối với dự án CCCD, chia sẻ toàn bộ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương.

Cũng theo Thiếu tướng Tô Văn Huệ, bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy là mục tiêu quan trọng nhất của dự án. Với tiến độ hiện nay, dự kiến đến 1/7 có thể hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giai đoạn hai và vận hành một cách đồng bộ. Thông qua dự án này, người dân không cần phải cầm quyển sổ hộ khẩu giấy đi giao dịch, vì tất cả thông tin cư trú được cập nhật trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mỗi công dân có một mã số định danh, một tệp hồ sơ riêng, cảnh sát chỉ cần tra họ tên trên máy tính để xem xét, hoàn thiện hồ sơ. Thậm chí, người dân có thể ngồi tại nhà khai báo thủ tục cư trú trực tuyến…

Nhiều thuận lợi

Theo một lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V03) - Bộ Công an, việc quản lý cư trú theo phương thức mới bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ có nhiều thuận lợi đối với công dân và cơ quan quản lý Nhà nước. Trước hết, đối với người dân, việc quản lý cư trú theo phương thức mới, công dân được giảm TTHC liên quan đến đăng ký cư trú, như được bỏ hoàn toàn 7 thủ tục: Cấp đổi; cấp lại sổ hộ khẩu; cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi; cấp lại sổ tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú; gia hạn tạm trú. Công dân được giảm chi phí khi thực hiện TTHC liên quan (như chi phí sao y chứng thực), cấp, cấp đổi, cấp lại các giấy tờ có liên quan nếu bị mất, hỏng…

Đối với cơ quan Nhà nước, thông qua dự án sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về dân cư và giảm thiểu chi phí cho các cơ quan hành chính Nhà nước trong việc khai thác dữ liệu về dân cư, giảm nguồn lực, chi phí để thực hiện nhập các trường thông tin trùng lặp về công dân. Bên cạnh đó, giảm chi phí để lưu trữ khối lượng hồ sơ, giấy tờ tại cơ quan hành chính Nhà nước. Đồng thời tăng cường công khai, minh bạch tất cả các TTHC, đẩy mạnh giải quyết TTHC công qua mạng; kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, lĩnh vực được thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về vấn đề bỏ sổ hộ khẩu giấy, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho biết, ngày 29/3 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 37/2021/NĐ-CP, hướng dẫn Luật Cư trú, trong đó có quy định trường hợp khi người dân tiến hành thay đổi thủ tục, cơ quan công an sẽ ghi các thay đổi đấy vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai cấp thẻ CCCD gắn chíp, trong đó lưu trữ đầy đủ thông tin, dữ liệu, khi quét thông tin trên hệ thống, sẽ có đầy đủ thông tin về nhân thân, gia đình. Đây là bước tạo điều kiện cho chính quyền điện tử hoạt động, tuy nhiên đây là cả một lộ trình dài. Khi Nghị định 37/2021/NĐ-CP, có hiệu lực (14/5/2021), người dân có thể truy cập vào cổng thông tin dữ liệu quốc gia về dân cư, lấy thông tin của cá nhân mình nộp cho các cơ quan nếu có yêu cầu.

Trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng chính phủ điện tử, dữ liệu quốc gia về dân cư từ rất lâu, tích hợp gần như toàn bộ dữ liệu của công dân trong thẻ CCCD. Trong đó có nhóm máu, thẻ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, các bằng cấp, chỉ quét lên hệ thống sẽ thấy nhân thân rõ ràng, tạo điều kiện cho người dân, DN, cơ quan quản lý công dân thực hiện các TTHC. Chúng ta đang hướng đến chính phủ điện tử, quản lý công dân dễ dàng hơn, không phải thực hiện các TTHC như trước đây bằng giấy tờ, phải đi sao kê công chứng, chứng thực các giấy tờ. Đây là bước tiến mà người dân cần phải ủng hộ.

Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông Nguyễn Hữu Toại
Khoản 3 Điều 42 Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 quy định rõ các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vẫn nguyên hiệu lực pháp luật… Mọi hợp đồng, giao dịch trước đây công dân có sử dụng thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.