Bổ sung cơ chế, chính sách vượt trội cho Thủ đô

Công Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các chuyên gia cho rằng, cần bổ sung những cơ chế, chính sách có tính đặc thù, vượt trội hơn để thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại.

Phát huy giá trị di sản văn hóa

Theo Trưởng Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước (Trường Đại học Luật Hà Nội) Đoàn Thị Tố Uyên, tại Điều 23 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều chính sách đặc thù như xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa trong 6 lĩnh vực (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa). Việc xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa dựa trên tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa gắn với xây dựng Thành phố sáng tạo xứng tầm là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước.

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Thực tế cho thấy, Hà Nội là địa phương có nhiều nghệ nhân được phong tặng danh hiệu cao quý nhất và có nhiều đóng góp cho thể thao của cả nước (nhiều huấn luyện viên, vận động viên đạt giải thể thao thành tích cao). Do đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép HĐND TP Hà Nội quy định cơ chế hỗ trợ với phạm vi, mức cao hơn quy định hiện hành của T.Ư theo khả năng cân đối ngân sách của TP đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Đây là nguồn động viên to lớn, khuyến khích họ tiếp tục cống hiến, tạo động lực cho đội ngũ nghệ nhân kế cận tin tưởng vào việc giữ nghề và truyền nghề, thúc đẩy tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động tại chỗ.

Cùng góp ý tại Điều 38, bà Đoàn Thị Tố Uyên cho rằng, nếu chỉ sử dụng ngân sách Nhà nước, các dự án đầu tư trong lĩnh vực này sẽ kéo dài thời gian và trong khi nhu cầu của xã hội ngày một cao cả về lượng và chất. Cho dù công trình đã hoàn thành nhưng việc quản lý, vận hành, duy trì vẫn đòi hỏi một nguồn lực không nhỏ. Do đó, cần đẩy mạnh hợp tác công - tư trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Hiểu một cách căn bản là sự bắt tay đồng thuận của Nhà nước và DN để cùng nhau bảo vệ, đánh thức tiềm năng, thế mạnh của di sản, chứ không chỉ đơn thuần là huy động nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực, nguồn lực văn hóa, xã hội, tài nguyên tự nhiên, kinh nghiệm quản trị. Cao hơn là Nhà nước và DN cùng nhau xây dựng chiến lược phát huy di sản gắn với bảo tồn một cách bền vững.

Đặc thù vượt trội để đem lại kết quả đột phá

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012. Trên cơ sở bám sát quan điểm chỉ đạo, 9 nhóm chính sách đã thông qua, dự thảo Luật được bố cục thành 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Theo TS Hoàng Thị Ngân - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và Công vụ (Văn phòng Chính phủ), việc trao những thẩm quyền vượt trội cho HĐND, UBND TP Hà Nội là phù hợp với định hướng chính sách của Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). “Theo tinh thần tăng cường phân quyền và tạo sự chủ động cho TP, có thể trao quyền cho HĐND TP quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù như về lĩnh vực an toàn thực phẩm; quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện, thị xã… nhưng vẫn nên xác định phạm vi các tổ chức hành chính đặc thù và lường trước tình huống chưa có tiêu chí thành lập loại tổ chức này” - TS Hoàng Thị Ngân nói.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng khẳng định, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với quan điểm Thủ đô cần có các chính sách đặc thù vượt trội để đem lại những kết quả đột phá, tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô. Qua đó góp phần tạo ra động lực dẫn dắt cho các địa phương khác trong vùng và cả nước. “Tuy nhiên, các quy định đặc thù cần được đặt trong tổng thể chung để bảo đảm sự thống nhất về chủ trương và nguyên tắc điều chỉnh đối với từng lĩnh vực cụ thể của hệ thống pháp luật” - bà Nguyễn Thúy Anh bày tỏ.