Đây là số liệu được đưa ra tại Tờ trình Dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội, chiều 26/5.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số quy định chính sách chưa thật sự hấp dẫn, chưa có cơ chế để khuyến khích người lao động tham gia, công tác tuyên truyền để mở rộng đối tượng còn chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ), làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động.
![]() Ảnh minh họa.
|
Từ thực tế đó, Dự án Luật bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản. Bổ sung đối tượng tham gia bảo BHXH bắt buộc là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp. Mở rộng đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia. Về nguyên tắc BHXH, sửa đổi mức đóng BHXH tự nguyện theo hướng bỏ quy định mức thu thập không thấp hơn mức lương tối thiểu chung nhằm hạ mức sàn đóng BHXH tự nguyện để tạo điều kiện có nhiều người hơn có khả năng tham gia.
Về tuổi nghỉ hưu, Dự Luật quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng theo hướng trước tiên từ năm 2016 trở đi, thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; sau đó từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại. Cụ thể, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Riêng đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên tuổi nghỉ hưu vẫn thực hiện như quy định hiện hành.
Dự Luật cũng sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động theo hướng: Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên tuổi nghỉ hưu là nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi trở lên; đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên tuổi nghỉ hưu là nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi; đối với người có đủ 15 năm trở lên (trong 20 năm đóng bảo hiểm xã hội) làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không kể tuổi đời.
Thẩm tra Dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị tuổi nghỉ hưu thực hiện Điều 187 của Bộ luật lao động là, nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác. Do đó cần điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian tham gia BHXH đồng bộ với việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu dài do tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên. Hiện nay, Bộ luật lao động đã cho phép điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng, đồng thời, đối với một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, một số địa bàn sẽ được giảm tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn.
Dự án Luật này sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 29/5 và thảo luận tại hội trường vào ngày 16/6.