Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2022 là 526.105,895 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách T.Ư là 222.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 304.105,895 tỷ đồng.
Đến hết ngày 18/4/2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là 479.419,47 tỷ đồng, đạt 92,5% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch cho các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương (518.105,895 tỷ đồng). Vốn ngân sách nhà nước năm 2022 ước thanh toán đến ngày 31/3/2022 là 61.536,08 tỷ đồng, đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Căn cứ nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhằm bảo đảm điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công trong chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình để ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách T.Ư trong nước năm 2022 cho 265 nhiệm vụ, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của 8 bộ, cơ quan T.Ư và 39 địa phương với tổng số vốn là 18.349,447 tỷ đồng.
Trong báo cáo thẩm tra về việc bổ sung dự toán ngân sách T.Ư năm 2022 cho các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, tại tờ trình, Chính phủ mới trình số bổ sung dự toán năm 2022 là 18.349,447 tỷ đồng, chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là chưa đầy đủ, chưa kịp thời, thiếu đồng bộ. Đề nghị Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định danh mục dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình.
Về đầu tư công, theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, thực tế cho thấy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 rất chậm. Năm 2021, số giải ngân vốn ngân sách nhà nước thanh toán đến 31/1/2022 là 437.963,18 tỷ đồng, nếu so với tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2021 thì tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 78,74%. Năm 2022, theo tờ trình của Chính phủ cho thấy, số vốn ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương đến nay chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 38.686,425 tỷ đồng, bằng 7,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn ngân sách nhà nước năm 2022 ước thanh toán đến 31.3.2022 là 61.536,05 tỷ đồng, đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, cần tính toán kỹ khả năng hấp thụ vốn, không để tình trạng bổ sung vốn nhưng không bảo đảm tiến độ giải ngân số vốn tăng thêm, phải chuyển nguồn, kéo dài sang năm sau, sử dụng vốn không hiệu quả.
Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc xem xét điều hòa vốn cần được thực hiện đi đôi với xem xét, quyết định Danh mục các dự án sử dụng vốn của Chương trình, do đó đề nghị Chính phủ trình đồng thời 2 nội dung để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đầy đủ căn cứ xem xét, quyết định.
Đồng thời, có ý kiến cho rằng, việc xem xét bổ sung dự toán đầu tư công tại thời điểm hiện nay là chưa phù hợp do vẫn còn 38.578,624 tỷ đồng chưa phân bổ hết dự toán được giao; 17 bộ cơ quan T.Ư chưa giải ngân. Trong đó, qua thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm, số chuyển nguồn vốn đầu tư công tiếp tục gia tăng rất lớn. Đề nghị Chính phủ xem xét cắt giảm toàn bộ số vốn các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ, điều chỉnh tăng vốn cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ. Đến hết quý II đánh giá cụ thể khả năng thực hiện giải ngân và sau khi có danh mục cụ thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự toán để bảo đảm tính khả thi và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, số bổ sung dự toán năm 2022 là 18.349,447 tỷ đồng liên quan đến 265 danh mục dự án, trung bình mỗi dự án là 69 tỷ đồng, như vậy là rất manh mún, dàn trải. Bên cạnh đó, nguyên tắc của gói kích thích kinh tế là phải có vốn “bơm ra” thị trường để kích hoạt nền kinh tế lên, nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội không đề ra việc thu hồi vốn tạm ứng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần trình một cách tổng thể, rà soát lại để bảo đảm tính khả thi, hợp lý.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu toàn bộ ý kiến để hoàn thiện danh mục kế hoạch bổ sung đầu tư vốn ngân sách T.Ư trong nước năm 2022, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Phải rà soát một cách kỹ lưỡng để phân bổ ngân sách thực sự có hiệu quả, tránh dàn trải, tập trung gắn kết với chương trình phục hồi kinh tế.