Theo đó, dự án điều chỉnh bổ sung sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt cầu Thăng Long được giao cho Ban Quản lý dự án 3 làm chủ đầu tư để sửa chữa phần nhịp dàn thép bị hư hỏng cục bộ trên mặt cầu Thăng Long, trả lại tình trạng êm thuận cho mặt cầu, duy trì khả năng khai thác và tuổi thọ công trình, đảm bảo mỹ quan và an toàn giao thông cho người và phương tiện giao thông.
Trên cơ sở mặt cầu cũ (phần nhịp dàn thép), chủ đầu tư sẽ tiến hành xác định vị trí, quy mô của vết nứt, hư hỏng cục bộ, khoanh vùng tại các vị trí đó bằng các đường bao hình chữ nhật (có tính tới sự phát triển của vết nứt) đồng thời tiến hành bóc bỏ lớp bê tông nhựa trên bản thép mặt cầu. Các điểm hư hỏng bề mặt cầu sẽ được xử lý bằng vật liệu bê tông nhựa polyme với chất dính bám Novabond của Công ty Hall Brother (Mỹ).
Cầu Thăng Long sẽ tiếp tục được sửa chữa các hư hỏng. (Ảnh: TTXVN)
|
Theo dự kiến của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự án có thời gian thực hiện từ tháng 10/2013 và hoàn thành trong tháng 1/2014. Kinh phí sửa chữa mặt cầu Thăng Long được trích từ nguồn vốn sửa chữa đường bộ.
Trước đó, vào cuối tháng Mười vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tiến hành phương án sửa chữa, duy tu mặt cầu Thăng Long với tổng kinh phí hơn 28 tỷ đồng.
Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sửa chữa phần mặt cầu chính (trên nhịp dàn thép) với diện tích là 14.500m2 có kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Sở Giao thông Vận tải sẽ sữa chữa phần mặt cầu dẫn (dầm bê tông) diện tích 22.000m2 với kinh phí là hơn 18 tỷ đồng do Thành phố Hà Nội bố trí nguồn vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ năm 2013.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long tiêu tốn gần 100 tỷ đồng ngay từ lần đầu tư đầu tiên hồi cuối năm 2009. Tuy nhiên, ngay sau khi đưa vào sử dụng, mặt cầu biến dạng, nứt nghiêm trọng, xuất hiện những vũng, ổ gà lớn.
Sau nhiều lần được duy tu, Bộ Giao thông Vận tải đã thừa nhận nguyên nhân là thất bại từ việc chuyển giao công nghệ sửa chữa mặt cầu.
Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đang cùng Hà Nội tiếp tục sửa chữa bằng vật liệu bê tông nhựa polyme của Mỹ.