70 năm giải phóng Thủ đô

Bộ Tài chính “phân bua” về thu ngân sách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/10, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo khẩn để lý giải sự tăng, giảm các khoản dự toán ngân sách năm 2015 và các giải pháp đảm bảo cân đối ngân sách.

Ngoài giá dầu thô giảm mạnh thì việc nhiều DN lớn cố tình tìm cách chây ì nghĩa vụ thuế cũng là nguyên nhân khiến công tác thu ngân sách thêm khó khăn. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý với những DN này nhằm thu hồi nợ đọng thuế.

Dầu thô giảm, kéo lùi thu ngân sách

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, năm 2015, ngân sách tăng vượt dự toán 17.400 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư hụt 31.000 tỷ đồng, nhưng ngân sách địa phương lại tăng thu trên 47.000 tỷ đồng. Khoản thu thuế thu nhập cá nhân năm 2015 ước đạt 55.000 tỷ đồng, tăng cao nhất trong các khoản thu, gần bằng mức thu từ dầu thô năm 2015 dự kiến trên 60.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân ngân sách địa phương tăng là do tăng trưởng kinh tế đạt khá, khoảng 6,5%. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp nên các yếu tố đầu vào của nền kinh tế có lợi. “Cũng trong năm 2015, nhờ hiệu quả kinh doanh tốt của một số nhóm DN nên có thêm các khoản thu từ thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng”- ông Tuấn nhấn mạnh.
Làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 	Ảnh: Phạm Hùng
Làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Ngân sách T.Ư hụt có nguyên nhân không nhỏ do giá dầu thô thấp hơn dự kiến (100 USD/thùng). Bên cạnh đó, cùng với việc thực hiện các cam kết thương mại, hội nhập ASEAN, Việt Nam điều chỉnh thuế nhập khẩu nhiều loại mặt hàng, dẫn đến giảm thu.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, vì những nguyên nhân trên, Chính phủ đã kiến nghị dùng 10.000 tỷ đồng nguồn đã thoái vốn tại một số DN Nhà nước để bù đắp ngân sách, đảm bảo cân đối ngân sách T.Ư. Ngoài ra, để giải quyết các khoản hụt thu, công tác thu hồi nợ đọng thuế cũng sẽ được Bộ Tài chính quyết liệt đẩy mạnh.

Tăng cường thanh tra thu hồi nợ đọng thuế

Một vấn đề khiến cơ quan quản lý đang phải tập trung là nợ đọng thuế còn nhiều, chậm thu vào ngân sách. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong tổng số 76.000 tỷ đồng thuế nợ đọng, có khoảng 34.000 tỷ đồng có khả năng thu, vì có địa chỉ DN cụ thể. Bộ Tài chính đang tập trung triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để sớm thu khoản này vào ngân sách, qua đó có nguồn bù đắp cho phần hụt thu ngân sách T.Ư năm 2015. Khoản hụt thu này ước khoảng 31.000 tỷ đồng do giá dầu thô giảm mạnh so với dự toán. Qua thanh, kiểm tra, trong 9 tháng, Bộ Tài chính đã thu được 5.000 tỷ đồng, 3.000 tỷ đồng còn lại các DN đã ký biên bản chấp nhận nộp mà không có ý kiến khiếu nại…

Ông Tuấn cũng nêu lên thực tế, việc chấp hành pháp luật thuế của nhiều DN lớn vẫn chưa nghiêm, cố tình chiếm dụng các khoản phải nộp ngân sách. Đơn cử như trường hợp Liên doanh Vietsovpetro: Năm 2014, Vietsovpetro phải nộp vào ngân sách 86 triệu USD, tương đương gần 2.000 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa nộp: “Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về việc này nhưng đến nay, đơn vị này vẫn lấy đủ lý do chây ì. Không những chưa nộp, Vietsovpetro còn đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng chi phí khai thác lên hơn mức 35% trong cơ cấu doanh thu như hiện tại, nhằm giảm nghĩa vụ nộp thuế…”.

Để đấu tranh mạnh với các hành vi sai phạm về thuế, từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã thành lập 5 đoàn thanh tra về chống chuyển giá, trong đó có một đoàn ở cấp tổng cục, còn lại ở cấp cục. Cuối năm 2015, ngành thuế cũng sẽ xây dựng xong cơ sở dữ liệu về 11.500 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp ngành thuế, hải quan có thông tin tốt để triển khai mạnh hơn các hoạt động chống chuyển giá, qua đó góp phần chống thất thu ngân sách.