Bộ Tài chính "vào cuộc" nhằm bình ổn giá sữa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 104 quy định, công ty sữa sẽ phải trình phương án giá, đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa dịch vụ với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

KTĐT - Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 104 quy định, công ty sữa sẽ phải trình phương án giá, đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa dịch vụ với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Theo dự thảo thông tư về quản lý giá sữa do Bộ Tài chính ban hành, sữa sẽ thuộc mặt hàng bình ổn giá. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa kê khai không đúng với các yếu tố hình thành giá sẽ bị xử phạt hành chính.

Sáng 15/12, đại diện Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục quản lý giá đã họp bàn cùng nhóm các công ty sản xuất thực phẩm dinh dưỡng về chính sách đối với quản lý sữa. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 104 năm 2008 để quản lý giá chung các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá sữa.

Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 104 quy định, công ty sữa sẽ phải trình phương án giá, đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa dịch vụ với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Khi giá sữa trong nước biến động bất thường, tăng quá cao hoặc giảm quá thấp, xảy ra hiện tượng độc quyền về giá, đầu cơ, găm hàng, thì cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền sẽ công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá phù hợp.

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa phải báo cáo chi phí sản xuất và các yếu tố hình thành giá, giá thành, giá bán. Riêng sữa bột phải đăng ký giá bán buôn, bán lẻ thống nhất trong cả nước. Sữa tươi các loại sẽ phải kê khai giá. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa kê khai không đúng với các yếu tố hình thành giá sẽ bị xử phạt hành chính.

Trước đó, Thông tư 104 quy định, các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, công ty cổ phần, công ty TNHH có trên 50% vốn điều lệ thuộc sở hữu nhà nước phải đăng ký giá bán các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, thông tư chưa sát với thực tế bởi các hãng sữa chủ yếu là công ty tư nhân. "Thông tư chưa sát thực tiễn dẫn đến giá sữa trong thời gian qua biến động thất thường, ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng", ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, quy định sữa thuộc mặt hàng bình ổn giá không phải là một chính sách mới, chỉ cụ thể hóa những quy định trong Thông tư 104 để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Dự thảo Thông tư đã được gửi cho 8 bộ ngành và 16 tỉnh thành, thành phố lớn trên toàn quốc để lấy ý kiến.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần