Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Tài nguyên và Môi trường giải đáp nhiều vấn đề "nóng" được dư luận quan tâm

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành chủ trì họp báo thường kỳ để giới thiệu cung cấp thông tin đến các cơ quan thông tin đại chúng về kết quả công tác nổi bật 6 tháng đầu năm 2020 và Chương trình công tác 6 tháng cuối năm của Bộ.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, tuy ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng công tác quản lý nhà nước của Bộ TN&MT đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân tăng hơn; thu tiền sử dụng đất tính đến 15/6/2020 đã đạt 57,9 nghìn tỷ đồng, bằng 60,4% kế hoạch năm, là nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.
Thứ trưởng Lê Công Thành thông tin, chỉ số tiếp cận đất đai tiếp tục tăng 0,27 điểm; chỉ số hài lòng về dịch vụ cấp giấy chứng nhận tăng 13% so với năm 2016. Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) về tiếp cận dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường ở địa phương tăng từ 80,03 lên 85,62%....
 
Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm được chi phí tương đương với khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm. Tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số gắn với cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được đẩy mạnh. Công nghệ thông tin cũng được ứng dụng mạnh mẽ trong chỉ đạo điều hành để thích ứng nhanh trong bối cảnh dịch bệnh.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Công Thành, trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ TN&MT đã hoàn thành 100% đề án, nhiệm vụ thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, kịp thời hoàn thiện thể chế, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện đầu tư; đẩy mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đề xuất các chính sách về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường…; phối hợp, hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp chủ động trước tác động của hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng…
Trong buổi Họp báo, Bộ TN&MT đã thông tin tới các cơ quan thông tấn, báo chí về nhiều vấn đề dư luận cả nước và xã hội quan tâm như: Diễn biến khí tượng thủy văn 6 tháng đầu năm 2020 và nhận định xu thế tình hình khí tượng thủy văn thời gian tới; công tác quản lý, đánh giá tác động môi trường tại các khu dự trữ sinh quyển hiện nay; cảnh báo sớm và chủ động công tác điều tiết nguồn nước cấp cho hạ du dòng chính trên các lưu vực sông trong điều kiện hạn hán, thiếu nước…
Tại cuộc họp báo, trả lời về vấn đề  liên quan đến việc xem xét, đánh giá, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Xuân Hải - Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường ý thức rõ trách nhiệm của mình khi xem xét dự án để phát triển kinh tế nhưng phải bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và việc xem xét phải đặt trên các mục tiêu cụ thể.
Trong đó thực hiện dự án nhưng phải giữ được rừng ngập mặn Cần Giờ. Phải có biện pháp giảm thiểu tác động môi trường phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động bất lợi đối với dòng chảy, xói lở, thoát lũ, ô nhiễm môi trường.

Theo ông Nguyễn Xuân Hải, việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được thực hiện theo quy định tại Điều 25, Luật Bảo vệ môi trường làm căn cứ quyết định chủ trương đầu tư của dự án.

Ông Nguyễn Xuân Hải cho rằng: “Đây là dự án có quy mô lớn, nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nên chúng tôi đã hết sức thận trọng trong quá trình thẩm định và phê duyệt ĐTM. Qua nhiều bước bổ sung, chỉnh sửa, báo cáo ĐTM của dự án đã được thông qua bởi Hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học hàng đầu, được tiến hành thận trọng và tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật”.

Trong quá trình thẩm định hồ sơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy báo cáo ĐTM đã nhận diện, đánh giá khá đầy đủ, thận trọng các tác động có thể có và đưa ra giải pháp khá tổng thể nhằm giảm thiểu tác động đối với môi trường, đã xây dựng chương trình quản lý, giám sát môi trường và ứng phó sự cố môi trường.

Là người theo dõi sát sao dự án, ông Nguyễn Xuân Hải đánh giá, chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ kỹ thuật, chuyên đề nghiên cứu, báo cáo đánh giá độc lập được thực hiện bởi các đơn vị, tổ chức uy tín ở trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Xuân Hải khẳng định: “Đây là các báo cáo chuyên đề liên quan đến các vấn đề lớn mà dự án có thể gây tác động như: Đa dạng sinh thái rừng ngập mặn, dòng chảy tự nhiên, nguy cơ gây bồi lắng, xói lở; nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; các tác động về kinh tế - xã hội và có các đơn vị tư vấn có uy tín để lập các mô hình với các kịch bản khác nhau về lan truyền ô nhiễm, thay đổi độ mặn, nước biển dâng."

Trước câu hỏi về việc đánh giá tác động môi trường của dự án có sơ sài, không đầy đủ hoặc thiếu nhiều điều kiện hay không? ông Nguyễn Xuân Hải cho biết: Việc có các điều kiện kèm theo là hoàn toàn phù hợp với quy định về phê duyệt báo cáo ĐTM vì đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hải, để đảm bảo tính khách quan, cẩn trọng, hồ sơ đề nghị phê duyệt ĐTM của dự án còn có các báo cáo chuyên đề do các cơ quan, tổ chức trong nước và ngoài nước có uy tín thực hiện.

Về vấn đề liên quan đánh giá tác động ĐTM với rừng ngập mặn Cần Giờ, ông Nguyễn Xuân Hải trả lời, dự án nằm kế cận vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển vùng ngập mặn Cần Giờ. Như vậy, việc thực hiện dự án có vị trí không thuộc ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ tại khu vực kế cận với vùng chuyển tiếp là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của Unesco, với những biện pháp thi công tiên tiến, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam cao nhất.

Kết quả đánh giá ĐTM thông qua các mô hình toán cho thấy dự án tác động không đáng kể đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Về việc khai thác vật liệu san lấp, ông Nguyễn Xuân Hải cho rằng việc khai thác vật liệu san lấp phải tiếp tục thực hiện đánh giá ĐTM khi có các thông tin dự án đầu tư cụ thể, chính xác hơn về nguồn, vị trí khai thác và vận chuyển. Bộ TN&MT cũng đã yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu phương án khai thác vật liệu tại chỗ khi cải tạo khu vực biển hồ trong dự án và tận dụng tối đa tài nguyên như các nguồn nạo vét, tro sỉ, đáp ứng yêu cầu san lấp để hạn chế tối đa việc khai thác vật liệu từ bên ngoài và sẽ được xem xét theo các quy định của pháp luật.

Kết luận cuộc Họp báo, Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định, sự quan tâm của các cơ quan báo chí trong thời gian vừa qua, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí đã góp phần quan trọng giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, đặc biệt là đợt hạn mặn kỷ lục ở ĐBSCL.
Từ nay đến cuối năm là vào thời kỳ cao điểm của bão, lũ, trước tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục vào cuộc, thông tin sớm giờ nào thì càng giảm thiểu được thiệt hại.
Khẳng định Bộ TN&MT rất coi trọng việc cung cấp thông tin đầy đủ đến báo chí về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường, qua đó thông tin đến người dân và doanh nghiệp, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các cơ quan chuyên môn chủ động, tích cực hơn trong cung cấp thông tin cho báo chí những vấn đề được dư luận quan tâm.