Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bỏ thi thăng hạng, nâng ngạch công chức, viên chức: Tiết kiệm chi phí xã hội

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, người phát ngôn Bộ Nội vụ đã trao đổi về việc bỏ thi thăng hạng viên chức, thi nâng ngạch công chức và xét trả lương theo vị trí việc làm (VTVL), hiệu quả công việc.

Trả lương theo vị trí việc làm, chi trả thu nhập phù hợp, đòi hỏi sự công tâm, minh bạch trong các tiêu chí đánh giá. Ảnh Thanh Hải
Trả lương theo vị trí việc làm, chi trả thu nhập phù hợp, đòi hỏi sự công tâm, minh bạch trong các tiêu chí đánh giá. Ảnh Thanh Hải

Vấn đề này nhận được sự đồng tình trong dư luận, nhưng nhiều ý kiến cho rằng để thực hiện được tốt việc trả lương theo VTVL, chi trả thu nhập phù hợp năng lực, đòi hỏi sự công tâm, minh bạch và chuẩn hóa trong các tiêu chí đánh giá.

Bỏ thi để bảo đảm quyền lợi công chức, viên chức

Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã khẳng định, việc thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp đã được thực hiện từ khi có Pháp lệnh Cán bộ, Công chức ngày 26/2/1998 đến nay, song quá trình tổ chức thi thể hiện có một số khó khăn: theo Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức hiện hành, đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương ban hành những tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi nhưng nhiều bộ chưa ban hành thông tư. Đặc biệt, viên chức tập trung chủ yếu ở ngành giáo dục, y tế, KHCN - những ngành chưa ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi, nên rất khó tiến hành.

Hơn nữa, việc chưa quy định được nội dung thi dẫn tới thi chưa sát với yêu cầu VTVL, hình thức và không phản ánh thực chất chất lượng đội ngũ. Hiện số viên chức trên cả nước lên tới gần 2 triệu, nên thực tế việc tổ chức thi hằng năm rất khó, với số lượng rất nhỏ đơn vị tổ chức thi được. Vì thế, còn xếp hàng dài người đủ tiêu chuẩn, điều kiện mà chưa được thi, ảnh hưởng lớn tới việc nâng cao trình độ, quyền lợi chính đáng của đội ngũ viên chức, nhất là giáo viên.

Vấn đề khó nữa là trong việc thi có tiêu chuẩn điều kiện là phải có chứng chỉ chuyên ngành, nhưng nếu chúng ta chưa tổ chức được việc học những lớp này thì viên chức chưa đủ điều kiện dự thi - đây là rào cản rất lớn. “Đặc biệt, quá trình thi rất tốn kém, chi phí lớn cho ban tổ chức thi; thí sinh thì phải bỏ thời gian ôn thi, đi lại tốn kém và chi phí xã hội rất lớn. Nếu bỏ việc thi, sẽ tiết kiệm được chi phí xã hội và nhất là giảm thủ tục hành chính”- Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Từ đó, ông Vũ Đăng Minh cho biết, Bộ Nội vụ đã tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương đánh giá tác động của việc tổ chức thi, đến nay có 94/95 bộ, ngành, địa phương cũng như những đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức đồng ý bỏ thi thăng hạng viên chức.

"Nếu chúng ta bỏ thi sẽ khắc phục được những vướng mắc, bất cập, hơn nữa giảm được áp lực cho chính đội ngũ công chức, viên chức. Quan trọng nhất, thi hay xét đều nhằm nâng trình độ công chức, viên chức, nếu đáp ứng được trình độ năng lực thì được bổ nhiệm vào ngạch cao hơn. Tổ chức sát hạch trực tiếp sẽ đánh giá được trình độ năng lực của công chức, viên chức tích lũy qua quá trình thực thi công vụ; tổ chức xét sẽ đánh giá đúng người, đúng việc để thực hiện nhiệm vụ được giao"- Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ khẳng định.

Đòi hỏi chuẩn xác, minh bạch tiêu chí đánh giá

Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) Trần Thị Minh Vân cho rằng, nếu thực hiện trả lương theo VTVL và năng lực chuyên môn, việc bỏ ngạch sẽ giảm nhiều áp lực cho công chức, viên chức và cả cơ quan quản lý Nhà nước vì không phải tổ chức thi, lại không phải gắn vào ngạch/bậc để xếp lương. Song, có những VTVL hiện đòi hỏi phải là chuyên viên/chuyên viên chính thì mới được bổ nhiệm (như Chủ tịch UBND quận phải là chuyên viên chính thì mới được bổ nhiệm), nên muốn thực hiện trả lương theo VTVL cần có nghiên cứu điều chỉnh đồng bộ cả hệ thống văn bản, nhất là quy định pháp luật liên quan VTVL, bổ nhiệm…

 

Việc thăng hạng viên chức với giáo viên rất quan trọng bởi còn liên quan lương, chế độ, nhưng việc thi khiến họ phải dành thời gian ôn luyện, gây tốn kém nhưng cũng khó đánh giá thực chất năng lực. Xét thăng hạng viên chức sẽ đánh giá toàn diện cả quá trình, bảo đảm công bằng, minh bạch, chính xác. Bỏ thi giúp giáo viên có động lực cống hiến với nghề, hạn chế tình trạng thôi việc.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn

“Tình hình cấp cơ sở như ở phường chúng tôi cho thấy, nếu vẫn áp dụng trả lương theo ngạch bậc, công chức, viên chức chịu thiệt thòi lớn vì nếu không đủ điều kiện thi thăng hạng hay nâng ngạch thì có khi ngoài 40 tuổi đã hết bậc để tăng lương, chỉ còn tăng phụ cấp 0,01%/năm (chuyên viên thường thì chỉ đến bậc lương 4,9 đã kết thúc). Nhưng khi xét lương theo VTVL thì ưu việt hơn hẳn vì thể hiện được năng lực của mỗi vị trí, có thể mới ra trường thời gian ngắn nhưng đã được hưởng lương cao vì có năng lực hơn một người đã công tác lâu năm. Cách làm này được nhiều người ủng hộ vì tạo động lực cho công chức, viên chức trẻ, có năng lực tích cực phấn đấu, nhất là đối với cán bộ cơ sở vì để thi thăng hạng rất khó khăn”- bà Trần Thị Minh Vân bày tỏ.

Đồng quan điểm trả lương theo VTVL và kết quả công việc hoàn toàn phù hợp nguyện vọng của công chức, viên chức, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Gia Lâm Trần Trung Tuyết đề xuất cần có điều kiện để thực hiện đồng bộ giữa VTVL, việc trả lương theo VTVL và việc đánh giá được kết quả thực hiện nhiệm vụ theo VTVL, lúc đó không cần căn cứ ngạch/bậc như hiện nay để trả lương. Thực tế có người mới ra trường làm việc tốt hơn, đảm đương được vị trí cao hơn so với một người đã công tác 5 - 7 năm nhưng không chịu rèn luyện. Quan trọng nhất, nếu bỏ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức thì cần có ngay cách tính lương mới; nếu căn cứ kết quả công việc thì trước hết phải lượng hóa được công việc từng VTVL một cách chính xác.

“Đánh giá cán bộ vẫn luôn là khâu khó nhất trong công tác cán bộ, nhưng cần quyết tâm làm, không thể không nghiên cứu trên cơ sở khoa học để có quy định rõ ràng, bởi chính là khâu mấu chốt để thực hiện được đồng bộ việc trả lương theo VTVL và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ theo VTVL"- ông Trần Trung Tuyết nói.

Nguyên ĐB Quốc hội, PGS. TS Bùi Thị An cho rằng, thực hiện trả lương theo VTVL và hiệu quả công việc là rất tốt so với tổ chức thi, nhưng phải chuẩn xác và minh bạch, có định lượng rất rõ ràng trong các tiêu chí được nghiên cứu kỹ lưỡng theo từng lĩnh vực, đặc biệt đòi hỏi người đứng đầu đủ tâm, tầm và bản lĩnh. Tổ chức thi mà hình thức thì không giải quyết vấn đề gì.

“Ý tưởng cách làm mới này là rất hay, nhưng để làm được, quan trọng nhất là chỉ số đánh giá hiệu quả công việc phải thật chuẩn, vì việc đánh giá này do người lãnh đạo chứ không theo một hội đồng như việc thi, nên dễ rơi vào cảm tính cá nhân. Đánh giá công chức, viên chức làm việc tốt hay không thì phải căn cứ thực tế số đầu công việc hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng, mới phát huy được tính sáng tạo, cống hiến của họ.
Chẳng hạn, công chức trong 1 tháng, 1 năm tham mưu được bao nhiêu văn bản, ra bao nhiêu sản phẩm, bao nhiêu kết quả nghiên cứu, hay viên chức làm công tác xã hội thì được quần chúng tín nhiệm ra sao…” - bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

 

Tình hình cho thấy, việc bỏ thi nâng ngạch và thi thăng hạng mà trả lương theo VTVL và hiệu quả công việc là hoàn toàn phù hợp mong muốn của công chức, viên chức tại huyện Gia Lâm, nhưng với điều kiện phải có ngay cách trả lương mới thay thế, mang tính ưu việt hơn. Bởi nếu bỏ ngay việc thi mà chưa có cách tính lương mới, công chức, viên chức băn khoăn: 1 trưởng phòng, 1 phó phòng đang hưởng ngạch chuyên viên sẽ không biết bao giờ mới được lên chuyên viên chính; một viên chức hạng 3 không biết bao giờ được lên hạng 2?
Trưởng Phòng Nội vụ huyện Gia Lâm Trần Trung Tuyết