Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Thông tin&Truyền thông: Báo chí không được gây hoang mang khi nói về dịch Covid-19

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong công tác thông tin về dịch Covid-19, kể cả khi nêu lên những tồn tại, hạn chế thì báo chí cũng cần đưa theo hướng xây dựng, tạo niềm tin và lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội.

Trước diễn biến nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19 kéo dài cũng như phát huy hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dich, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đề ra hàng loạt nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí trong thời gian tới.

Cụ thể, Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan báo chí trong nước, báo chí đối ngoại bám sát, thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

 Ảnh minh hoạ
Các báo cần chú trọng thông tin tuyên truyền về mục tiêu phòng chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; tăng liều lượng, tần suất thông tin về các kết quả tích cực, các mô hình tốt, sự chung tay của cả cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh ...

Bộ TT&TT lưu ý, nội dung và cách thức thông tin, kể cả những tồn tại, hạn chế phải theo hướng xây dựng, tạo niềm tin và lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, tuyệt đối không để suy diễn, gây hoang mang và phân tâm trong nhân dân; chủ động phát hiện, tích cực đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, tin giả, bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật, thông tin gây hoang mang trên không gian mạng và trên báo chí về tình hình dịch bệnh.

Các cơ quan báo chí cũng cần ban hành và thực hiện nghiêm quy chế hoạt động nghiệp vụ của phóng viên trong vùng có dịch và trong mùa dịch; xây dụng các phương án bảo đảm hoạt động của cơ quan báo chí khi có tình huống xấu; thành lập Tổ phóng viên chuyên trách trực tiếp thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVI-19 đồng thời có biện pháp bảo đảm bảo an toàn cho cán bộ, phóng viên trực tiếp tác nghiệp tại hiện trường theo đúng quy định.

Bên cạnh đó là tổ chức xét nghiệm định kỳ, đầy đủ cho cán bộ, phóng viên, kể cả những trường hợp đã được tiêm đầy đủ vắc xin theo kế hoạch áp dụng với từng cơ quan báo chí.

Đặc biệt, các cơ quan báo chí cần chỉ đạo cán bộ, phóng viên tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin, quy định về kỷ luật thông tin, trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, bảo đảm đưa tin cân bằng để hỗ trợ công tác phòng chống dịch, ổn định tâm lý, đời sống nhân dân vùng có dịch bệnh.

Không mở rộng, làm nóng vấn đề quá mức cần thiết đối với những sự cố, vụ việc đơn lẻ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh và chiến dịch tiêm chủng, không để bị thế lực xấu lợi dụng công kích, chống phá; đặc biệt thận trọng khi khai thác, chỉ đạo khai thác tin tức, vấn đề xuất hiện trên mạng xã hội. Không đưa tin theo mạng xã hội khi chưa kiểm chứng qua các cơ quan chức năng.

Khi phát hiện có những vấn đề bất cập hoặc sự cố trong công tác phòng, chống dịch bệnh, khẩn trương phản ánh với Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tại địa phương để kiểm tra, xử lý, hoặc thực hiện phỏng vấn, phản ánh ý kiến của người có trách nhiệm tại địa phương đó về quan điểm chỉ đạo, giải pháp khắc phục đối với vấn đề bất cập hoặc sự cố.

Đối với các cơ quan chủ quản báo chí cũng cần phối hợp với các đơn vị có liên quan nhằm bảo đảm cung cấp kịp thời thông tin cho các cơ quan báo chí về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh để báo chí đưa tin thống nhất, chính xác, tránh sai sót.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi thông tin sai sự thật trên báo chí, trên không gian mạng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới công tác phòng, chống dịch và việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.